Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tương tác trên khí quyển với gió Mặt trời không thể giải thích đầy đủ về tình trạng mất nước trên bề mặt sao Hỏa. Trong nghiên cứu, ông Yigit đề xuất ba yếu tố chính khác cũng cần được xem xét. Đó là: Sóng trọng trường, đối lưu và bão bụi.
Các nhà khoa học hành tinh nhất trí rằng, từng có rất nhiều nước trên bề mặt sao Hỏa. Họ đồng thời cho rằng, nước trên bề mặt sao Hỏa đã từ từ mất vào không gian dưới dạng hydro trong hàng tỷ năm.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy, các phân tử nước bị ánh sáng Mặt trời ở tầng dưới của sao Hỏa xé toạc. Từ đó, dẫn đến hydro từ nước trôi ra ngoài không gian. Trong công trình nghiên cứu mới, nhà khoa học Yigit cho rằng, vẫn chưa có đủ bằng chứng để cho thấy, quá trình mất nước trên sao Hỏa là điều đơn giản.
Ông Yigit gợi ý rằng, còn có những yếu tố khác xảy ra. Nhà khoa học này đồng thời dẫn chứng, các thí nghiệm gần đây đã chỉ ra rằng, nước trong khí quyển sao Hỏa có thể được đưa thẳng lên tầng khí quyển cao.
Các phân tử nước cũng bị “xé toạc” trước khi trôi vào không gian. Bằng chứng mới này cho thấy, hiện tượng đó đã xảy ra ở tầng khí quyển thấp. Sau đó, nước bị đẩy lên tầng khí quyển cao. Cũng theo nhà khoa học Yigit, quá trình này có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố, như dòng đối lưu ở độ cao thấp, bão bụi hoặc sóng trọng trường.
Ông Yigit lập luận bằng cách lưu ý rằng, bằng chứng gần đây từ các tàu thăm dò trên sao Hỏa cho thấy, nước vẫn đang thoát vào không gian. Điều đó xảy ra chủ yếu vào mùa hè trên sao Hỏa. Thời điểm đó, hành tinh này thường hứng chịu những cơn bão bụi toàn cầu.
Ông Yigit gợi ý thêm rằng, những cơn bão bụi như vậy có thể đóng một vai trò trong việc tuần hoàn hydro sau khi nó bị tách ra khỏi các phân tử oxy bởi bức xạ Mặt trời. Nhà khoa học này nhận định, dường như sóng trọng trường truyền từ trên xuống có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nước lên.
Do đó, ông Yigit gợi ý rằng, việc mất nước trên bề mặt sao Hỏa không thể được giải thích đầy đủ, nếu không tính đến các yếu tố trong tầng cao và tầng thấp của bầu khí quyển.