Tiên lượng còn nặng
Bệnh nhân 497 tên T.S.T (SN 1952, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) mắc Covid-19 và vào viện ngày 6/8.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh Parkinson, sỏi ống mật chủ, viêm dạ dày. Trước đó, ngày 18/7, bệnh nhân nhập viện khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 21/7, bệnh nhân được chuyển đến khoa Ngoại tổng hợp với chẩn đoán sỏi ống mật, viêm dạ dày, parkinson, đã mổ giun chui ống mật, nhiễm trùng đường mật, tắc mật.
Ngày 30/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 chuyển vào khoa Y học Nhiệt đới. Ngày 5/8, bệnh nhân được chuyển vào khoa ICU – Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, trong tình trạng bệnh nhân đang thở máy Nội khí quản. Ngày 7/8, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc chậm tự thở qua Nội khí quản, sau đó thở qua Canula. Đến ngày 17/8, bệnh nhân tự thở khí trời. Ngày 3/9, bệnh nhân lơ mơ, đặt nội khí quản trở lại.
Qua quá trình điều trị bệnh nhân đã có xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 vào các ngày 5, 6, 7 tháng 9. Và được công bố khỏi mắc Covid-19.
Bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu – khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) cho hay, bệnh nhân 497 là bệnh nhân vào viện vào những ngày đầu tiên của đợt dịch Covid-19 ở Đà Nẵng. Bệnh nhân 497 vào viện với tình trạng tổn thương phổi cấp rất nặng, trên nền bệnh Parkinson đã điều trị lâu năm.
“Với một bệnh nền nặng như vậy thì diễn tiến bệnh nhân trở nặng ngay lập tức. Chúng tôi đã đặt ống thở máy và chuyển sang Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để hồi sức”, bác sĩ Hiếu thông tin.
Theo bác sĩ Hiếu, trong quá trình điều trị bệnh nhân 497 đã có nhiều lần âm tính nhưng sau đó đã dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2. Cách đây 10 ngày, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân trở nên nặng hơn, các bác sĩ đã đặt ống thở máy lần thứ 2. Đến hôm nay (9/8) bệnh nhân đã đủ điều kiện để kết luận hết mắc Covid-19 sau 3 lần âm tính liên tục.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, mặc dù đã hết mắc Covid-19, tuy nhiên thể trạng bệnh nhân 497 rất suy kiệt cùng với bệnh nền parkinson cũng như tình trạng bội nhiễm phổi khi nằm trong hồi sức, nên hiện nay bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch. Phổi tổn thương và đang phụ thuộc vào máy thở, các xét nghiệm có tình trạng tổn thương đa tạng, nhiễm vi trùng đa kháng.
“Hiện, bệnh nhân đang được điều trị hồi sức tích cực, tiếp tục lọc máu và sử dụng kháng sinh theo phác đồ và điều trị nâng cao thể trạng. Tiên lượng của bệnh nhân rất nặng do vừa trải qua tổn thương do Covid-19 trên bệnh nền nặng cùng với bệnh lý nhiễm trùng đa kháng nên hiện nay chưa thể nói được điều gì. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt hi vọng rất nhiều vào bệnh nhân này”, bác sĩ Hiếu nhận định.
Bác sĩ Hiếu cho rằng, hiện tại các phương án tốt nhất, gồm những phương tiện hồi sức, thuốc men, phác đồ cập nhật liên tục từ Ban chỉ đạo quốc gia và các chuyên gia ở 2 đầu đất nước đều đã được áp dụng cho bệnh nhân 497. Đến giờ phút này những đáp ứng ban đầu của bệnh nhân 497 cho thấy có khả quan. Hy vọng trong những ngày tiếp theo bệnh nhân 497 sẽ có những cải thiện và tiến triển tích cực hơn.
Trường hợp khó, “giống như đang đi trên dây”
Cụ thể, bệnh nhân 617 (SN 1989, trú phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng); bệnh nhân 703 (SN 1980, trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) và bệnh nhân 493 (SN 1956, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Các bệnh nhân sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2. Sau khi các bệnh nhân ra viện, các bệnh nhân sẽ tiếp tục cách ly y tế tại nhà trong vòng 14 ngày dưới sự giám sát của nhân viên y tế địa phương.
Về bệnh nhân 416, bác sĩ Hiếu nhận định đây là trường hợp khó, “giống như đang đi trên dây”. Mỗi ngày đều có biến cố, có những ngày xuất hiện không chỉ một lần mà xảy ra nhiều lần. Nên các bác sĩ phải theo dõi sát điều chỉnh thông số từng chút.
“Hiện nay, bác sĩ gọi hỏi bệnh nhân thì bệnh nhân có biết, huyết áp, sinh hiệu của bệnh nhân 416 trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, mức độ hồi phục của phổi bệnh nhân 416 còn khá chậm. Nên phải có những điều chỉnh phù hợp và rất cẩn thận đối với trường hợp này.
Hiện, bệnh nhân đã có 6 lần xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, bác sĩ đang có ý định chuyển bệnh nhân đến nơi có điều kiện hồi sức tốt hơn, có điều kiện theo dõi chặt chẽ hơn. Có thể chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục hồi sức dài về sau”, bác sĩ Hiếu nói.
Bác sĩ Hiếu cho hay, những trường hợp âm tính sau đó công bố khỏi bệnh không phải là tín hiệu để bác sĩ quá mừng trước diễn tiến của đại dịch này. Thậm chí tất cả những bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi âm tính với SARS-CoV-2 thì đây chỉ là thành công ở bước đầu.
“Những vấn đề khó khăn vẫn còn ở phía sau nên các bác sĩ phải cảnh giác, duy trì những biện pháp phòng ngừa để tránh tình huống xấu xảy ra”, bác sĩ Hiếu thông tin.
Bác sĩ Hiếu cho hay, về nguồn nhân lực ở bệnh viện được tính toán dựa trên số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện, cũng như số lượng công việc phù hợp. Hiện tại, không có vấn đề gì về nhân lực, số lượng người kỹ năng, kiến thức và trình độ y bác sĩ đủ để đáp ứng yêu cầu điều trị của bệnh nhân.