Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 9/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, hiện một số quy định của luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác như chưa rõ ràng quyền, nghĩa vụ của thanh niên.
Quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể. Đặc biệt, thiếu nguồn lực để thực hiện một số quy định hiện hành; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành, địa phương...
Theo tờ trình này, dù đã cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên nhưng vẫn không tránh khỏi băn khoăn. Ví dụ như cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên, dự thảo luật quy định Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên, là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thanh niên.
Nhưng thực tế, vì không có bộ nào có chức năng quản lý Nhà nước về thanh niên nên “bắt” Bộ Nội vụ làm - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định khi đó nhấn mạnh. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên không rõ. Các nước có Bộ Thanh niên và thể thao, với chức năng quản lý cụ thể.
Có lẽ, cũng bởi sự chưa rõ ràng này mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gợi ý tổ chức Đoàn cần suy nghĩ, đề xuất về mô hình, phương pháp tổ chức phù hợp với tình hình mới... Cụ thể là thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao.
Cho đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV này, “ý tưởng” thành lập bộ tiếp tục được đề cập đến. Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao trên cơ sở hệ thống tổ chức, trụ sở, ngân sách của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đưa công tác quản lý Nhà nước về thanh niên, thể thao về bộ này trong thời gian tới là giải pháp cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định...
Đây mới chỉ là ý tưởng, là đề xuất, “tính toán cho tương lai”. Việc có thành lập bộ mới hay không chắc chắn phải được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Bởi nhiều khi không phải cứ phải gắn với một bộ, ngành nào đó mới có thể hoạt động hiệu quả... Vấn đề là, với những bất cập, hạn chế trong hoạt động như hiện nay, việc sửa đổi Luật Thanh niên có khắc phục được không?
Những “tính toán cho tương lai” là cần thiết. “Ý tưởng” thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao cũng không ngoại lệ. Vấn đề ở đây là, “ý tưởng” này sẽ được thực hiện như thế nào và tiến hành vào thời gian nào? Liệu thành lập xong bộ này thì hoạt động có hiệu quả hơn không?