Tinh thần của Phật giáo là không đốt vàng mã

Ngày Rằm tháng bảy vừa trôi qua, nhưng chuyện lạm dụng đốt vàng mã, gây lãng phí tiền bạc, nguy hiểm về cháy nổ vẫn không thể không nói. 

Tiền thật cháy theo vàng mã
Tiền thật cháy theo vàng mã

Phóng viên Báo ANTĐ có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để bạn đọc hiểu rõ hơn.

Bài viết liên quan Cuối năm, về làng vàng mã Đông Hồ Cuối năm, lại nhộn nhịp đi… “đốt tiền”

- PV: Thưa Thượng tọa, nhiều người cho rằng tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Phật giáo. Thượng tọa có thể lý giải rõ hơn về tục lệ này được không ạ?

- Thượng tọa Thích Thanh Điện: Đốt vàng mã vốn không phải là tục lệ truyền thống của Việt Nam mà nó có ảnh hưởng từ Đạo giáo của Trung Quốc. Từ các thời phong kiến Trung Hoa, các thời vua Tần, Hán… cách đây hàng nghìn năm đã có tục là khi vua chết, tất cả mỹ nữ, người hầu… đều bị chôn theo. Sau dần dần họ thấy việc làm như vậy là ác, nên thay thế bằng những hình nộm bằng giấy, đem đốt đi. Xuất phát từ tích đó, dần dần du nhập vào Việt Nam và người dân làm theo. Tôi khẳng định, tinh thần của Phật giáo là không đốt vàng mã.

- Rằm tháng bảy là dịp lễ trọng trong tín ngưỡng Phật giáo. Nhưng những ngày vừa qua, nhiều gia đình vẫn cứ đốt vàng mã rất nhiều, gây lãng phí, thưa Thượng tọa…

- Rằm tháng bảy đối với tín ngưỡng Phật giáo rất quan trọng. Rằm tháng bảy có hai lễ lớn đó là lễ Vu lan và lễ cúng cô hồn, là dịp để mọi người báo hiếu ông bà, cha mẹ, tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất, giúp đỡ người nghèo, người không có nơi nương tựa… Không chỉ trong Rằm tháng bảy, những dịp ma chay, giỗ chạp, xuất phát từ tình cảm, tình thương khi trong gia đình có người mất đi, sợ xuống âm phủ không có đồ dùng nên mua vàng mã thay của cải, vật chất… về đốt. Ý nghĩa của việc đốt vàng mã thì không xấu, nhưng hiện nay nó bị biến tướng, lạm dụng quá nhiều.

- Quan điểm của Thượng tọa về hiện tượng đốt vàng mã tràn lan hiện nay?

- Trong Phật giáo có “lục cúng”, tức là đi lễ thì nhớ 6 thứ, “hương, hoa, đăng, trà, quả, thực” gồm có hương, hoa, đèn (nến), trà, hoa quả và thức ăn. Và đến chùa thì chỉ cúng đồ chay, ngoài ra không có gì khác. Vì thế, các Phật tử chân chính không nên đốt vàng mã nhiều. Ngày xưa, vào ngày Rằm tháng bảy, các cụ ở quê có đốt vàng mã nhưng rất ít, chỉ khoảng 100 tiền vàng, ít quần áo được cắt rất đơn giản… Nay đời sống khá lên, người dân quan niệm ở trần gian có nhà cao cửa rộng, ô tô, xe máy… thì khi sang thế giới bên kia vẫn phải được như thế nên cứ mua về để đốt. Tôi nhận thấy, đối tượng đốt vàng mã nhiều lại thường là những người cầu tài, cầu danh. Có những người bỏ ra đến cả chục, cả trăm triệu đồng để đốt thì quá tốn kém, lãng phí.

- Có thể thấy không chỉ trong các gia đình, trên đường phố, tại nơi cửa Phật, tình trạng đốt vàng mã bừa bãi cũng xảy ra?

- Nhiều người đi lễ, cúng xong mang vàng mã vào trong chùa để đốt, cấm cũng không được, vì họ cho rằng như vậy là thành tâm. Ở chùa Quán Sứ, chúng tôi chuẩn bị những lò hóa sớ và cả bình cứu hỏa phòng trừ hỏa hoạn, đồng thời bố trí ban tiếp lễ hai bên nhắc nhở mỗi Phật tử vào lễ chỉ được thắp tối đa 3 nén hương. Nhờ vậy, tình trạng đốt vàng mã, đốt hương trong chùa cũng giảm. Có năm, vào dịp Rằm tháng bảy, người dân vào chùa Quán Sứ đốt vàng mã khói mù mịt, dày đặc, đến nỗi làm cháy cả ban thờ, các pho tượng bị ám khói đen.

- Theo Thượng tọa phải tuyên truyền như thế nào để người dân ngừng đốt vàng mã?

- Hàng năm, chúng tôi có thuyết pháp cho các Phật tử để tuyên truyền việc không đốt vàng mã. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động người dân, coi việc lễ lạt trong Rằm tháng bảy cái tâm là chính. Tụng kinh, niệm Phật… là đủ rồi. Tuy nhiên, nếu chỉ có các Phật tử, những người có tuổi đến nghe giảng thì e rằng tuyên truyền cũng không hiệu quả. Tôi mong qua các kênh truyền thông, báo đài cũng phải vào cuộc, giúp sức để ngăn chặn tình trạng đốt vàng mã bừa bãi. Tôi xin nhắc lại, tinh thần của Phật giáo là không đốt vàng mã.

- Xin cảm ơn những trao đổi của Thượng tọa!
Theo An Ninh Thủ Đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang cảnh Đại hội.

Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội

GD&TĐ - Chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội, Đảng bộ Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở đầu tiên của Đảng bộ Quốc hội. Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống LB Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Tuyên bố chung về những định hướng lớn của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trong giai đoạn hợp tác mới

Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự Lễ Duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại từ ngày 8 - 11/5, Việt Nam và Liên bang Nga đã ra Tuyên bố chung.