Dầm mưa gần 3 tiếng để chỉ đường cho người dân đi lại an toàn
Trưa 11/10, trên đường từ Đà Nẵng vào phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) để tác nghiệp, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông chỉ mặc cái áo mưa mỏng đứng giữa đường cầm nhành cây ra hiệu cho người điều khiển phương tiện giao thông dừng lại, do phía trước có một đoạn đường bị ngập nước do mưa lớn kéo dài.
“Phía trước đường bị ngập nước sâu lắm nếu chạy qua bị chết máy xe đó, anh chạy lên hướng đường của khách sạn này rồi vòng ngược xuống lại để tránh chỗ ngập”, vừa nói người đàn ông vừa chỉ tay cho một tài xế chạy đi.
Người đàn ông mà chúng tôi đề cập là ông Trương Thọ (SN 1978, trú phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông Thọ cho biết, sáng cùng ngày, ông chở con lên nhà mẹ. Đến 11 giờ 45 cùng ngày ông trở lại về nhà. Tuy nhiên, khi trở về, do mưa lớn, tuyến đường ven biển đoạn trước Lotte Cinema The Pearl Hội An (phường Cẩm An, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã bị ngập nước sâu, khiến một chiếc xe ô tô con bị chết máy.
Ngay sau đó, ông Thọ cùng con gái dừng xe lại rồi ông lấy một nhành cây, bất chấp trời mưa gió, ông đứng rồi vẫy báo hiệu cho những người tham gia giao thông qua đoạn đường này được biết phía trước bị ngập để người dân không nên đi qua.
“Mưa to nên đoạn đường này bị ngập cỡ 60cm, một chiếc xe ô tô con không biết nên đã vượt qua rồi bị chết máy nằm giữa dòng nước. Tôi vừa tới thấy vậy, sợ những người đi đường khác không biết vượt qua thì hư hỏng xe hoặc có thể bị té ngã nên lấy cây ra hiệu để chỉ dân họ đi đường vòng”, ông Thọ nói.
Một nhân viên bảo vệ Lotte Cinema The Pearl Hội An thấy ông Thọ đứng nguy hiểm nên đã 1 đem một tấm rào chắn ra báo hiệu cho người dân được biết. Cứ thế, ông Thọ đã đứng đội mưa gần 3 tiếng đồng hồ để chỉ dẫn cho người dân khi lưu thông qua đoạn đường bị ngập.
“Tôi thấy nước ngập, sợ xe cộ người ta đi qua lỡ hư xe hay có chi nguy hiểm thì tội họ, nếu có gì tôi thấy áy náy lắm, nên tôi nói con gái về trước, tôi đứng ra hiệu cho người đi đường biết, khi nào nước rút hoặc lực lượng chức năng ra rào chắn rồi tôi về sau. Tôi cứ nghĩ nếu con cháu hay người thân mình ra đường không may gặp những điều như vậy thì như thế nào? Bởi vậy tôi sẵn sàng dầm mưa giúp bà con thôi, miễn sao người dân lưu thông an toàn là vui rồi”, ông Thọ cười nói.
Sắm vai “người vận chuyển” đi giúp dân trong lũ
Tại vùng lũ xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ông Phạm Dũng (thôn Phú Hoà 2, xã Hòa Nhơn) đã sử dụng chiếc ghe của mình để vận chuyển những người dân xung quanh thôn di chuyển trong mùa lũ.
Nước sông Túy Loan dâng cao và tràn vào nhà những người dân sinh sống xung ven sông. Nhà ông Dũng cũng là một trong những số đó. Các tuyến đường đi lại hằng ngày trong thôn giờ bị ngập trong nước từ 1,5m, có nơi cao hơn. Người dân đành phải di chuyển đi lại trong thôn bằng những chiếc ghe nhỏ.
“Thấy mưa lớn có khả năng ngập lụt là tôi lại lấy ghe ra sửa soạn, để sẵn sàng sử dụng. Cứ tới mùa lũ, nhờ có chiếc ghe này mà bà con đỡ phải vất vả trong việc di chuyển đi lại trong thôn nếu cần thiết. Chừ mưa lớn, nước ngập hết, người dân nếu cần chi thì đi lại khó khăn, nên tôi tự nhận nhiệm vụ là “người vận chuyển” trong thôn. Cứ chèo lên, chèo xuống trong thôn, hễ ai cần giúp gì, giao đồ đạc gì là tôi sẽ giúp. Toàn là bà con trong thôn xóm với nhau hết, thương nhau nên giúp đỡ nhau, nương tựa nhau mà sống thôi”, ông Dũng tâm sự.
Ở thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn), ông Trần Văn Hóa (SN 1964) đã chèo chiếc ghe của mình, ngược dòng nước để đến thăm từng nhà trên địa bàn thôn.
Theo chiếc ghe của ông Hóa, ghé thăm từng nhà dân trong thôn bị ngập lụt, ông Hóa đều hỏi han những gia đình có khó khăn gì, hoặc có cần giúp việc gì thì nói để ông Hóa giúp đỡ.
“Nhiều nhà đôi lúc có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ nên tôi phải chèo ghe đến hỏi thăm. Ai cần gì thì tôi mua giúp, ai ốm đau thì mọi người hợp sức chở ra đường chính, vì các tuyến đường trong thôn nay đã bị cô lập do nước lũ cả rồi. Nhìn nhà bà con ngập trong nước lũ mà xót xa. Tôi lấy sức giúp người dân trong thôn thôi, chứ nhà nghèo làm gì có tiền”, ông Hóa bộc bạch.
Cứ như thế, vừa nói ông Hóa vừa chèo chiếc ghe đến từng nhà các hộ dân khác trong thôn để hỏi han trước khi được neo đậu chiếc ghe ở đầu thôn.
Sau những đợt mưa trắng trời là những cơn lũ lớn, người dân Đà Nẵng và Quảng Nam lại gồng mình gánh chịu những khó khăn mà thiên tai ập xuống. Hình ảnh, hành động của ông Thọ, ông Dũng và ông Hóa, tuy nhỏ nhưng đầy ắp tình người trong lúc lũ dữ. Với người dân, họ giúp nhau một hành động nhỏ trong cơn lũ dữ không có gì để nói. Nhưng ở đây, điều đáng trân trọng đó chính sự trân quý tình cảm xóm làng, tình cảm giữa người dân với nhau trong lúc hoạn nạn.