(GD&TĐ) - Trường học là nơi được xem là môi trường chuẩn mực về đạo đức, những người thầy, người cô vẫn thường được mọi người ngưỡng vọng về tri thức, nhân cách và lối sống. Hình ảnh người thầy mẫu mực luôn là gương sáng cho học sinh noi theo.
Hình ảnh người lãnh đạo gương mẫu, tận tụy với công việc luôn là gương sáng để đồng nghiệp trong trường học tập và phấn đấu. Sự đối xử công bằng, tuân thủ theo nội qui của nhà trường, của ngành sẽ tạo nên sự đồng thuận để thúc đẩy việc dạy và học của đơn vị đi lên.
Chúng ta đều biết, điều không thể phủ nhận là phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Chỉ những người thầy tận tụy, yêu thương học trò mới dạy dỗ và tạo cho các thế hệ học trò biết kính trọng, lễ phép, biết nhận thức đúng sai, phải trái.
Trong Hội đồng sư phạm nhà trường, sự đoàn kết phấn đấu, quan hệ ứng xử đồng thuận, tuân theo những qui định, phải bắt đầu từ sự gương mẫu của Ban Giám hiệu.
Mọi sự áp đặt của cấp trên lên giáo viên, của thầy cô lên học trò không phải lúc nào cũng hiệu quả và có tác dụng giáo dục tốt. Sự áp đặt chỉ làm cho quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp thêm căng thẳng, đối phó, mất đoàn kết nội bộ.
Sự áp đặt của thầy cô lên học trò chỉ làm các em chán nản, thiếu tôn trọng thầy cô của mình. Đặc biệt, khi đã áp dụng “luật” hay “nội qui” của nhà trường thì không thể nào người này phải thực hiện, còn người khác thì không cần tuân thủ…
Thầy cô thường dạy học trò phải gương mẫu trong học tập, tu rèn phẩm chất đạo đức, không được vi phạm nội qui của trường. Nếu học sinh vi phạm là trừ điểm thi đua của lớp như: Đi trễ, không đồng phục, không thuộc bài và làm bài, nhuộm móng tay, nhuộm tóc thì có lẽ nào thầy cô lại tìm cách quay cóp trong các phòng thi, mượn người này, người kia giải bài tập, thầy cô được quyền để tóc dài, được nhuộm tóc, nhuộm móng tay, được ăn mặc theo mốt và không cần đồng phục, không cần cho áo vào quần?
Vì thế mà có rất nhiều giáo viên chủ nhiệm lúng túng trong các câu hỏi của học trò: Tại sao trong trường thầy A để tóc tốt, cô B nhuộm tóc vàng, sơn móng tay, cô C để áo sơ mi ngắn ngoài quần khi lên lớp thì được, tại sao các em bị trừ điểm, bị hạ hạnh kiểm bị mời phụ huynh vào trường góp ý?
Trong nhà trường, BGH là người đề của các nội qui, qui định của đơn vị, là người phổ biến các qui định, các thông tư, các bộ luật cho cán bộ nhân viên nhà trường mà lại có thể thường xuyên nhậu nhẹt trong giờ hành chính, làm sao có thể trong nhiều cuộc họp còn nồng nặc mùi rượu bia, làm sao BGH thường xuyên vào trễ, về sớm thì không sao mà giáo viên chỉ cần một sự cố hư xe giữa đường, chậm vài phút là ghi tên nhắc nhở trong các cuộc họp và trừ điểm thi đua…?
Có những Hiệu trưởng bị đuối lý khi đồng nghiệp hỏi trong cuộc họp: Tại sao BGH thường xuyên đi trễ, vậy giờ trực của BGH là từ mấy giờ đến mấy giờ trong ngày? Hiệu trưởng trả lời: BGH không cần đi đúng thời gian, miễn sao là thực hiện và hoàn thành công việc của nhà trường. Trả lời như vậy làm sao mà anh em phục được.
Tất nhiên BGH không phải lên lớp đúng giờ như giáo viên dạy lớp nhưng BGH không gương mẫu thì nói ai, hoặc trong trường có sự cố xảy ra thì ai giải quyết, hoạt động của trường ai theo dõi?...
Tính nêu gương là cần thiết đối với bất kì cơ quan, đơn vị nào. Đặc biệt trong nhà trường thì sự nêu gương có một vai trò quan trọng. Bởi đây là môi trường giáo dục, là nơi đang đào tạo nên thế hệ tương lai của đất nước!
Nhật Duy