Tình huống xấu nhất

GD&TĐ - Do dịch bệnh, năm học mới không thể khai giảng đồng loạt trên phạm vi cả nước được nên có những địa phương, vài ba hôm nữa mới chính thức bước vào năm học mới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dịch bệnh đã buộc ngành Giáo dục phải thích ứng với tình hình mới. Một trong những điều cần sớm thích nghi là dạy và học online, dù cả thầy và trò phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể sớm thích nghi với cách học này nhưng đối với học sinh tiểu học, đó quả là một thử thách ghê gớm. Dạy trực tiếp trên lớp, thầy trò đối diện nhau mà nhiều em không tập trung nghe giảng huống chi là chỉ qua màn hình. Cha mẹ buộc phải đóng vai trò người thầy thứ hai bên cạnh con mình nếu muốn chúng không lơ đễnh trong lúc thầy cô giáo giảng bài.

Tuy nhiên, đó chỉ là những khó khăn ở phía chủ quan, một khó khăn khác không dễ khắc phục là phương tiện phục vụ học tập cho các em. Dịch dã đã làm cho nhiều gia đình khánh kiệt, miếng ăn với họ đã khó huống chi là phải sắm cho con máy tính, điện thoại thông minh để học trực tuyến, trong khi ngân sách Nhà nước không đủ gánh vác để mua sắm thiết bị học tập cho các em lúc này.

Ở một phía khách quan khác, khó khăn do sự xuất hiện khó lường của dịch Covid-19 khiến ngành Giáo dục ở nhiều nơi rơi vào thế bị động. Những nơi có dịch, đang áp dụng Chỉ thị 16 thì học online là con đường duy nhất, song có một số địa phương không có dịch thì vẫn học trực tiếp.

Ngay trong một tỉnh, thậm chí trong một huyện vẫn xuất hiện tình trạng vùng này học trực tuyến nhưng vùng kia học trực tiếp. Thế nhưng, khai giảng học trực tiếp chưa ấm chỗ thì ở nơi đó xuất hiện ổ dịch, lại chuyển qua trực tuyến. Toàn bộ phụ huynh chưa sẵn sàng cho tình huống này nên đẩy hàng nghìn học sinh vào tình cảnh không biết phải làm như thế nào.

Về phía giáo viên, nhiều thầy cô giáo có nhà ở vùng đang áp dụng Chỉ thị 16 nhưng lại dạy trên địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 15 hoặc “thấp” hơn nữa vì nơi đó không có dịch nên những giáo viên này khá lúng túng trước các chốt kiểm dịch người ra vào từ vùng đỏ sang vùng xanh.

Thậm chí, giáo viên không biết phải xử lý tình huống như thế nào nếu áp dụng Chỉ thị 15 thì buộc phải tách đôi lớp học ấy ra làm hai cho “đúng chuẩn giãn cách” mỗi lớp không quá 20 em.

Thay vì chỉ dạy 4 tiết, giờ phải… 8 tiết. Mệt mỏi đã đành, song số tiền tăng giờ kia, ai sẽ tính với họ? Đó là chưa kể, nhiều địa phương không đủ cơ sở phòng ốc để tách làm đôi mỗi lớp như thế.

Những khó khăn đang gặp phải sau ngày khai giảng như thế đang diễn ra ở các địa phương hiện nay. Bởi vậy, tất cả các thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh nên xác định phải học online lúc này vì không còn con đường nào khác.

Trước khi chờ vắc-xin phủ sóng toàn bộ học sinh để các em có thể học trực tiếp thì ngành Giáo dục và các địa phương cũng nên tính đến tình huống xấu nhất là tất cả địa phương đều phải thực hiện Chỉ thị 16 để thích nghi với hoàn cảnh.

Tính trước như thế, để không bị động và sẵn sàng chuyển trạng thái khi tình huống không mong muốn ấy xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.