Nếu như cấu tứ, mạch cảm xúc là điểm tựa để người đọc khám phá và tìm hiểu một bài thơ thì tình huống truyện chính là yếu tố tạo những bất ngờ và làm nên nét độc đáo cho một truyện ngắn.
Tình huống truyện là hoàn cảnh bất bình thường mà con người buộc phải bộc lộ bản lĩnh, tính cách của mình. Trong tác phẩm tự sự, tình huống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thể hiện số phận và tính cách nhân vật, là một trong những vấn đề cốt lõi, là chìa khóa đi vào thế giới nghệ thuật tác phẩm.
Tình huống là một khoảnh khắc của dòng chảy đời sống mà qua khoảnh khắc ấy thấy được vĩnh viễn, qua giọt nước thấy được đại dương. Khoảnh khắc rất ngắn ngủi, chỉ trong thoáng chốc, đến và qua thật nhanh. Nó tựa như giọt nước giữa đại dương vô tận, như lát cắt của một thân cây. Nhưng thật kỳ diệu, từ những khoảnh khắc nhỏ ấy, người đọc khám phá được cái vĩnh viễn, cái chân lý của cuộc sống mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.
Văn học Việt Nam hiện đại, có không ít những cây bút truyện ngắn tài năng. Họ đã sáng tạo nên những khoảnh khắc độc đáo kỳ diệu, từ đó tạo ấn tượng đậm sâu trong trái tim người đọc về tác phẩm của mình. Tình huống truyện trong Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Chí Phèo trong chương trình Ngữ văn lớp 11 (cơ bản) là những khoảnh khắc kỳ diệu.
Tình huống đợi tàu trong Hai đứa trẻ
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam dài hơn sáu trang sách, cảnh đợi tàu chỉ vẻn vẹn khoảng một trang nhưng giả sử nếu thiếu đi khoảnh khắc đó câu chuyện sẽ nhạt nhẽo và mất đi nhiều dư vị.
Tôi muốn nhắc đến tình huống đợi tàu, một khoảnh khắc ngắn ngủi trong ngày buồn lê thê nơi phố huyện nghèo. Cả phần đầu của truyện, ấn tượng bao trùm là cuộc sống lay lắt, buồn tẻ, tù đọng, bế tắc chìm nghỉm trong bóng tối dày đặc của những người dân nghèo nơi phố huyện. Cuộc sống dường như ngưng đọng, quẩn quanh, chừng ấy con người, chừng ấy sự việc cứ lặp đi lặp lại, thật nhàm chán.
Trong hoàn cảnh ấy, khoảnh khắc đợi tàu không đơn thuần chỉ là một thói quen mà còn thể hiện những ý nghĩa sâu xa. Mở đầu là ánh sáng của đèn ghi, rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, rồi đoàn tàu rầm rộ đi tới, các toa đèn sáng trưng, tiếng ồn ào của hành khách... Tất cả chỉ trong một khoảnh khắc nhưng lại được nhà văn miêu tả trong sự chờ đợi háo hức, sự hân hoan vui mừng và cả sự hụt hẫng tiếc nuối của chị em Liên và An.
Con tàu là hình ảnh của quá khứ tuổi thơ tươi đẹp, hạnh phúc. Đợi tàu để được nhìn, được mơ tưởng, để nuôi dưỡng kỉ niệm đẹp. Đợi tàu để dõi theo và cũng để mơ tưởng về một thế giới khác hẳn, cái thế giới tràn ngập ánh sáng, âm thanh, cái thế giới của ngày mai vui hơn, sôi động hơn. Đối với chị em Liên, việc đợi tàu còn có ý nghĩa như một thú vui, một trò chơi tuổi nhỏ, một cách để giải tỏa nỗi buồn.
Viết về cảnh đợi tàu của chị em Liên, Thạch Lam bộc lộ miền đồng cảm xót thương đến vô hạn và quan trọng hơn, ông trân trọng nâng niu ước mơ khát vọng đổi đời của những con người sống trong bóng tối vẫn luôn khát khao hướng đến ánh sáng. Cuộc sống cực khổ, tăm tối đến đâu nhưng khi người ta còn biết hy vọng, biết ước mơ thì vẫn còn rất đáng mến, đáng trọng xiết bao.
Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù
Tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân dài 2.675 chữ và tác giả chỉ dùng 369 chữ để viết về cảnh cho chữ, một khoảnh khắc đặc biệt của thiên truyện.
Nếu không có 369 chữ miêu tả khoảnh khắc ấy hẳn câu chuyện sẽ trở nên vô nghĩa. Quả đúng là vậy, Chữ người tử tù xoay quanh hành trình của viên quản ngục tìm kiếm con chữ đẹp của Huấn Cao - người tử tù.
Nếu không có cảnh cho chữ, sự đáp lòng của Huấn Cao với quản ngục, hẳn viên quản ngục vẫn tiếp tục chìm đắm trong bùn nhơ của chốn đề lao và câu chuyện sẽ kết thúc với nỗi tuyệt vọng của một người yêu cái đẹp.
Có thể thấy ý nghĩa của cảnh cho chữ thật đặc biệt. Trong cảnh ấy ta thấy ánh sáng của bó đuốc và quan trọng hơn là ánh sáng của thiên lương lành vững, của cái đẹp với sức cảm hóa mạnh mẽ.
Không chỉ cho chữ, Huấn Cao còn giúp viên quản ngục tỉnh ngộ, quyết rời xa chốn nhơ nhớp. Chi tiết cuối của truyện đọng lại trong lòng người đọc bao suy ngẫm.
“Ngục quan cảm động, vái người tử tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Thì ra cái thiện, cái đẹp và nhất là cái tâm có sức cảm hóa ghê gớm.
Sau lời khuyên chí tình, chí nghĩa của ông Huấn, quản ngục đáp lại bằng hành động đặc biệt, vái người tử tù một vái. Phải chăng đó là cái vái lạy thật đáng trân trọng. Cái vái lạy thể hiện khát vọng phục thiện, hướng thiện của đóa sen thơm ngát giữa chốn bùn lầy, cái vái lạy trước một nhân cách lớn, một tấm lòng đẹp. Cái vái lạy ấy làm ta nhớ lại Chu Thần Cao Bá Quát năm xưa một đời tung hoành ngang dọc chỉ “cúi đầu một thuở bái mai hoa”.
Cảnh cho chữ trong truyện dung lượng ngắn gọn hơn 300 chữ đã làm tỏa sáng cái tài viết chữ đẹp, cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang của Huấn Cao, người tử tù đang sắp sửa đối mặt với cái chết. Đồng thời cảnh tượng ấy tô đậm thêm cốt cách thanh cao của viên quan coi ngục, một kẻ sống giữa chốn bùn nhơ và vẫn ngát hương như những đóa sen, một kẻ mến trọng người tài và say mê cái đẹp. Vậy nên không có 369 chữ viết về cảnh cho chữ, câu chuyện sẽ trở nên vô nghĩa.
Tình huống Chí vào tù và gặp Thị Nở trong Chí Phèo
Nếu được lựa chọn, xin phép được đề cập đến hai khoảnh khắc tạo nên bước ngoặt liên quan đến cuộc đời nhân vật Chí Phèo.
Trước hết là sự việc Chí bị đẩy vào tù. Mà cái nguyên nhân mới vô lý làm sao. Sự ghen tuông. Chính sự ghen tuông vô cớ ấy, Bá Kiến đã đẩy anh Chí hiền lành, lương thiện, rất nhân cách (bị bà ba bắt bóp chân, hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì) vào chốn bùn nhơ tăm tối. Và thật khủng khiếp, nhà tù thực dân phong kiến ấy đã nhào nặn Chí, biến Chí thành kẻ du côn, tha hóa mất hết nhân hình và nhân tính.
Sau lần đòi nợ thuê nhà Đội Tảo, Chí đã thành tay sai hung hãn của Bá Kiến, cuộc đời hắn triền miên trong những cơn say, say vô tận và hành động tội ác. Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại bị xa lánh xua đuổi.
Nhưng thật kỳ lạ, giữa lúc Chí đang chênh vênh trên con đường mà ranh giới giữa thú tính và nhân tính rất mong manh thì gặp Thị Nở. Cuộc gặp ấy giống như một tia chớp lóe lên giữa màn đêm tăm tối, đưa Chí từ cõi quỷ trở về với cõi người, biết yêu thương và khao khát được yêu thương. Và từ đó, sự kiện gặp gỡ Thị Nở đã làm nên những trang văn rực sáng cảm hứng nhân đạo của Nam Cao.
Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo diễn ra từ từ, được Nam Cao miêu tả tinh vi từ những dấu hiệu đơn giản nhất. Trước hết là sự thức tỉnh giác quan. Hắn nhận ra những dấu hiệu của cuộc sống qua ánh nắng, tiếng chèo gõ mái, tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ...
Đó là âm thanh của cuộc sống bình yên, dân dã. Khi hắn biết nghĩ đến mình, biết buồn, thấy già mà cô độc, thấy rằng cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau, biết ước mơ một gia đình nho nhỏ là khi ý thức đã hoàn toàn trở lại trong hắn, cũng chính là lúc hắn ý thức được thân phận thê thảm của mình.
Quá trình thức tỉnh ấy của Chí, bát cháo hành của Thị Nở có vị trí đặc biệt. Bát cháo hành đơn sơ mà đong đầy tình người ấy đã hồi sinh bản tính lương thiện của Chí, cái bản chất đẹp đẽ mà bấy lâu đã bị che lấp, bị vùi dập. Nói cách khác, tình người của Thị Nở đã đánh thức tính người còn sót lại của Chí Phèo.
Tâm trạng của Chí Phèo khi ăn bát cháo hành được nhà văn miêu tả rất tài tình. Ngạc nhiêu, băn khoăn, vừa vui vừa buồn, giống như là ăn năn, hối hận... mắt hắn ươn ướt bởi đây là lần đầu tiên hắn được chăm sóc, yêu thương của một người đàn bà. Chí thèm lương thiện, Chí mong ước được làm hòa với mọi người, và hơn thế, Chí ao ước có một gia đình, một mái ấm.
Lời nói mộc mạc mà chân tình với Thị Nở mới xúc động và tha thiết làm sao: Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ? Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui. Cái mong ước bình dị và đáng quý biết bao. Ở một nhà cho vui”, ấy là ước mơ chân chính về một tổ ấm gia đình mà Chí ấp ủ ngày nào. Hóa ra bên trong con quỷ vẫn vẹn nguyên phẩm chất người. Đó là con người đích thực với ước mơ hạnh phúc gia đình.
Nhưng tiếc rằng, mầm hạnh phúc vừa mới nảy nở ấy của Chí Phèo nhanh chóng bị héo úa. Một người nào đó đã có một liên tưởng thú vị, Chí Phèo gặp Thị Nở giống như một người chết đuối vớ phải cọc, nhưng không ngờ lại là rễ bèo. Hy vọng để rồi tuyệt vọng. Bởi Thị Nở là một người dở hơi, năm ngày chung sống cùng Chí, thị chợt nhớ mình còn có một bà cô, thị phải về hỏi ý kiến xem đã.
Và rồi, những lời lẽ chua xót và uất ức của người đàn bà ấy đã thổi bùng lên cơn giận của Thị Nở, thị lộn cả ruột. Bao nhiêu bực tức thị đã trút cả vào Chí. Hành động “Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân” đã biến giấc mơ về một gia đình nho nhỏ của Chí Phèo thành dang dở.
Chí Phèo bị cự tuyệt tình yêu. Giấc mơ hạnh phúc vụt tan như bong bóng xà phòng. Hạnh phúc trong tầm tay bỗng dưng tuột mất. Còn gì đau khổ hơn.
“Hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Giọt nước mắt của nỗi đau tột cùng. Chí không còn cơ hội quay đầu lại. Lời bà cô Thị Nở “đàn ông đã chết hết cả rồi sao, mà lại đi lấy một thằng không cha, chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ” hay chính là định kiến của xã hội đã đẩy Chí Phèo vào bi kịch. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
Ngòi bút của Nam Cao xoáy vào nỗi đau của Chí Phèo để người đọc căm giận và xót xa. Căm giận cái xã hội thực dân phong kiến ngày xưa đã xô đẩy người nông dân hiền lành lương thiện như Chí thành kẻ tha hóa, không còn cơ hội làm lại cuộc đời. Xót thương cho một phận người đau khổ sinh ra bất hạnh rồi chết trong tuyệt vọng, khổ đau.
Cái chết của Chí Phèo để lại nhiều ám ảnh. Cái chết để giải thoát cho một kiếp người đau khổ, cái chết để được làm người theo đúng nghĩa. Năm ngày sống cùng Thị Nở là năm ngày ngắn ngủi Chí được sống như một con người và chết như một con người.
Nhìn lại hai biến cố trong cuộc đời Chí Phèo, ta có thể liên tưởng, vào tù đẩy Chí Phèo vào bóng tối của cái xấu, cái ác; gặp Thị Nở đưa Chí về với ánh sáng, ánh sáng của tình người, của khát vọng làm người lương thiện cho dù ánh sáng ấy chỉ lóe lên chốc lát. Ngòi bút bề ngoài dửng dưng, lạnh lùng mà đằm thắm yêu thương của Nam Cao đã viết nên những trang văn ám ảnh mà da diết một tấm lòng yêu thương dành người nông dân trong xã hội cũ.
Thiên chức “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là để làm công việc giống như kẻ nâng giấc những người cùng đường tuyệt lộ, để bênh vực những con người không có ai để bênh vực” mà sau này Nguyễn Minh Châu khẳng định có thể dành tặng Nam Cao ngay từ những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 với kiệt tác Chí Phèo.
Cuộc đời là chuỗi dài những năm tháng, nhưng đôi khi những khoảnh khắc ngắn ngủi lại mang tính quyết định. Sáng tạo truyện ngắn cũng vậy, nhà văn tài năng phải biết chọn lựa trong dòng chảy đời sống ấy những khoảnh khắc để tạo điểm nhấn.
Nói cách khác, khoảnh khắc hay “tình huống giống như một thứ nước rửa ảnh, nó sẽ làm nổi hình nổi sắc các nhân vật, bộc lộ các số phận, các tính cách, các tâm trạng, đồng thời làm nổi bật các vấn đề mà nhà văn muốn đặt ra và tư tưởng ông ta muốn phát biểu” (GS Nguyễn Đăng Mạnh).
Khoảnh khắc đợi tàu của chị em Liên, cảnh ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục hay sự kiện gặp Thị Nở của Chí Phèo, tất cả là khoảnh khắc kỳ diệu mà ở đó hình tượng nhân vật hiện lên sắc nét, chủ đề thiên truyện trở nên sáng tỏ.
Phải chăng tài năng của những cây bút truyện ngắn biệt tài của nền văn xuôi Việt Nam trước cách mạng chính là đã sáng tạo nên khững khoảnh khắc kỳ diệu ấy? Độc giả tiếp nhận khám phá cái hay vẻ đẹp của những trang văn có lẽ hãy bắt đầu từ những khoảnh khắc diệu kì ấy?