Tình hình mưa lũ tại Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp

GD&TĐ - Tại khu vực ngoại thành diện tích úng ngập chủ yếu ở khu vực sông Tích, sông Bùi và sông Đáy. Huyện đang bị úng ngập nặng nhất là Chương Mỹ với 763ha (663ha ngập trắng), tiếp đến là Ba Vì với 566,5ha (134ha ngập trắng).

Nhiều trường học ngoại thành Hà Nội ngập lụt
Nhiều trường học ngoại thành Hà Nội ngập lụt

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội sáng 1/8, do ảnh hưởng của rãnh Tây Bắc - Đông Nam có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nên đêm qua nhiều khu vực trên địa bàn thành phố có mưa rào và dông.

Lượng mưa cao nhất đo được là tại Hà Đông đạt mức 92,1mm (tổng lượng mưa tính từ 7h sáng 31/7 đến 7h sáng 1/8), tiếp đó là các khu vực Hoài Đức (41,8mm), Long Biên (38mm), Láng (33,1mm).

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông báo: Đến thời điểm sáng 1/8, không có điểm nào bị úng ngập trong khu vực nội thành Hà Nội.

Trong khi đó, tại khu vực ngoại thành diện tích úng ngập chủ yếu ở khu vực sông Tích, sông Bùi và sông Đáy. Huyện đang bị úng ngập nặng nhất là Chương Mỹ với 763ha (663ha ngập trắng), tiếp đến là Ba Vì với 566,5ha (134ha ngập trắng).

ảnh 1

Nhiều xã ở huyện Chương Mỹ bị ngập úng

Vào hồi 7h sáng nay, mực nước các sông chính trên địa bàn thành phố (sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy) đều dưới báo động I.

Các sông nội địa: Sông Nhuệ tại trạm Đồng Quan dưới mức báo động I; sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức báo động II; sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt trên báo động III.

Tại huyện Quốc Oai, hiện còn 1816,9 ha lúa bị ngập; rau màu 118,488 ha; thủy sản 407,903 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn bị sạt lở 72m đường trong khu dân cư, 850m3 đất đá, vỡ mố cống 1 điểm, 11 vai lấy nước bị cuốn trôi, vỡ van phai xả tràn hồ Đồng Âm, sạt lở và sập đổ 41m tường bao.

Tại huyện Mỹ Đức, tính đến chiều qua huyện còn một số diện tích hoa màu trong vùng đê bảo vệ bị đầy nước và 679ha ngoài vùng đê bao bị ngập.

Tại huyện Chương Mỹ, có 3.683 hộ bị ngập nước dưới 2m và 6.083 khẩu phải sơ tán; sập đổ 170m2 nhà ở và 1.804m đường giao thông nông thôn, 3.520m đường giao thông nội đồng. Diện tích lúa bị thiệt hại là 1.376 ha, rau màu 284,3 ha, thủy sản 605,8 ha.

Tại huyện Phúc Thọ, do mưa lớn kéo dài và mực nước sông Tích lên cao mấy ngày qua, đã làm ngập úng 82ha lúa, trong đó 77ha bị thiệt hại hoàn toàn; 9ha cây ăn quả bị ngập, thiệt hại hoàn toàn; 23,5ha nuôi trồng thủy sản bị ngập...

Tại huyện Hoài Đức, mưa lớn những ngày qua đã làm ngập úng 285ha lúa, trong đó, thiệt hại hoàn toàn khoảng 32,5ha; 78ha cây ăn quả bị thiệt hại; diện tích thủy sản bị mất trắng 22,7ha.

Hiện nay, tại các vùng ngập các công ty thủy lợi đang tích cực bơm tiêu chống úng. Bên cạnh đó chính quyền địa phương các xã tiếp tục tiếp nhân, cung ứng cứu trợ cho người dân bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Còn tại các vùng đã hết ngập, chính quyền địa phương đang tích cực, chủ động cùng nhân dân tập trung ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã có công văn đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền ứng phó với diễn biến của mưa, lũ và các tình huống bất thường, giảm thiệt hại về người và tài sản.

Tích cực tuyên truyền, phổ biến các biện pháp hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau mưa lũ, úng ngập; tình hình triển khai, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai của các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn Thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ