Phó Thủ tướng yêu cầu tìm nguyên nhân hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình “tụt” xuống sông

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây Dựng, Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân sạt lở và ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng như nhà ở, giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Phó Thủ tướng yêu cầu tìm nguyên nhân hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình “tụt” xuống sông

Ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hoà Bình về sự cố hàng chục ngôi nhà ở địa phương này bất ngờ bị sụt lún xuống dòng sông Đà. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổ chức ngay đoàn công tác để đánh giá toàn diện tình hình sạt lở tại Hoà Bình; bảo vệ hiện trường, khẩn trương di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác làm việc tại Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác làm việc tại Hòa Bình.

Hoà Bình đề nghị hỗ trợ khẩn cấp gần 400 tỷ đồng

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Quang – thông tin: Tại khu vực tổ 26 phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình vào hồi 18h ngảy 30/7/2018 đã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông trên diện rộng làm nhà của 29 hộ dân (28 hộ có nhà xây, 1 hộ có đất trống) bị thiệt hại và đổ xuống lòng sông Đà. Trong đó, 9 hộ với 22 nhân khẩu bị sập nhà hoàn toàn; 10 hộ (27 nhân khẩu) bị sập nửa nhà; 9 hộ (17 nhân khẩu) nhà bị rạn nứt to có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, tại khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, chính quyền địa phương đã di dời 4 hộ dân với 10 nhân khẩu đến nơi an toàn; hiện đang tiếp tục theo dõi và di dời tiếp 3 hộ dân phía ta luy dương. Đồng thời, thường xuyên cử lực lượng theo dõi, ứng trực, cắt cử lực lượng công an, dân quân tự vệ cảnh giới cấm toàn bộ phương tiện và người dân vào khu vực nguy hiểm. Tại khu vực tổ 25-26 phường Đồng Tiến, thành phố Hoà Bình đã tổ chức di dời an toàn 35 hộ dân đến nơi ở tạm; tổ chức lực lượng công an, quân đội đảm bảo an toàn, an ninh tại khu vực sạt lở, điều tiết giao thông.

Tại cuộc họp, Hoà Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp gần 400 tỷ đồng để khắc phục ngay những thiệt hại nguy hiểm do mưa lũ gây ra.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tỉnh Hoà Bình cần phối hợp với các Bộ, ngành trung ương tổ chức rà soát lại toàn bộ cung sạt lở, từ đó có kiến nghị tổng thể, khắc phục khẩn cấp khi thiên tai tiếp tục tàn phá, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

“Ngày mai, Bộ NN&PTNT sẽ cử một thứ trưởng cùng với các chuyên gia, nhà khoa học lên để cùng với tỉnh Hoà Bình đánh giá lại toàn diện”, Bộ trưởng nói.

Kỷ luật lãnh đạo lơ là, thiếu trách nhiệm với người dân trong mưa lũ

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát, gửi lời thăm hỏi đến các hộ dân bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua. Trong những ngày tới, diễn biến mưa lũ vẫn còn rất phức tạp, do đó Phó Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, phải rất chủ động để ứng phó với diễn biến của mưa lũ.

“Phải tiếp tục đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân. Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng rà soát lại tất cả các vị trí có thể nguy hiểm để có kế hoạch di dời dân, không để người dân còn ở hoặc quay lại các công trình nguy hiểm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo địa phương phải đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân phải đi sơ tán. Yêu cầu đặt ra là người dân phải có chỗ ở ổn định, địa phương chủ động hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết, tuyệt đối không để hộ dân nào thiếu chỗ ở, lương thực, thuốc men. Vai trò của lãnh đạo cơ sở là đặc biệt quan trọng, xem xét kỷ luật những lãnh đạo cơ sở lơ là, thiếu trách nhiệm với người dân trong mưa lũ.

Hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình bất ngờ bị sụt lún xuống sông Đà.
Hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình bất ngờ bị sụt lún xuống sông Đà.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm tìm quỹ đất phù hợp để quy hoạch, phát triển hạ tầng, hỗ trợ người dân bị sạt lở có thể sớm xây dựng lại nhà ở.

“Các lực lượng chức năng cũng phải tập trung khắc phục sự cố, chuẩn bị các phương án để ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Phải kiểm tra lại tất cả các phương án ứng phó, đặc biệt về phương tiện, thiết bị, phương án chỉ huy, huy động lực lượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây Dựng, Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân sạt lở và ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, giao thông, trước mắt điều tra các vị trí nguy hiểm cũng như đánh giá toàn tuyến để đề ra các giải pháp khắc phục, kiến nghị với địa phương bố trí lại dân cư. “Ngay sau cuộc họp này các Bộ phải cử đoàn công tác để khẩn trương điều tra nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý khẩn cấp”, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.

Về các kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban phòng, chống lụt bão Trung ương tổng hợp, xác định rõ những nội dung cần hỗ trợ khẩn cấp và trong trung hạn để có giải pháp xử lý phù hợp.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...