“Rào cản” để thực hiện CTGDPT mới
Về tinh giản biên chế, các Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII; Nghị quyết số 39/NQ-TW và Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị đều khẳng định: Thực hiện tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị đến năm 2021 phải đạt 10%.
Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì sửa đổi Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế để các quy định phù hợp hơn trong thực tiễn triển khai. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt tinh giản biên chế ngành GD. Việc thừa thiếu GV vẫn diễn ra ở nhiều nơi, điển hình như ở Hải Phòng, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hải Phòng) cứ đến giờ học tiếng Anh là lại ngồi chơi! Nguyên nhân do nhà trường bị thiếu giáo viên dạy tiếng Anh nhưng quận chưa kịp bổ sung.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Mai Văn Tỉnh, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT, Phó trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, lối tư duy bao cấp của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã lỗi thời, nhiều địa phương máy móc cắt 10% GV nhưng không tính đến tình trạng thiếu hoặc thừa GV. Do vậy, việc triển khai tinh giản biên chế, hạn chế ngân sách Nhà nước đẩy việc hủy hợp đồng với các giáo viên ngày càng diễn ra nhanh, mạnh và khẩn trương hơn bao giờ hết. Mặt khác, đối với ngành Giáo dục trong bối cảnh sắp triển khai CTGDPT mới, đây sẽ là rào cản lớn.
Ngày 20/7/2018, Bộ GD&ĐT có Công văn số 3043/BGDĐT- NGCBQLGD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc thực hiện tinh giản biên chế ngành GD. Theo đó, để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không cắt giảm cơ học chỉ tiêu biên chế giao hàng năm để thực hiện tinh giản biên chế mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hàng năm để sàng lọc, phân loại làm căn cứ tinh giản biên chế.
Chính sách giảm biên chế còn nhiều bất cập
Trao đổi về tình trạng thừa - thiếu GV, TS Mai Văn Tỉnh cho rằng: Cải cách hành chính là một chủ trương đúng, tạo động lực mới cho đội ngũ công chức, viên chức và toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhìn cụ thể từng ngành, chính sách giảm biên chế còn nhiều bất cập. Cụ thể, đối với ngành Giáo dục, ở các địa phương, việc cắt giảm biên chế đang chạy theo lợi ích nhóm.
TS Mai Văn Tỉnh nhấn mạnh, GV vừa là sản phẩm của các cơ sở đào tạo GV, vừa là nguồn nhân lực rất quan trọng của ngành GD. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta cần nhận thức rõ ai là người chủ sử dụng lực lượng GV ở địa phương? Phải chăng đại bộ phận là các trường công lập và một số trường dân lập.
Đây chính là nhà doanh nghiệp sử dụng sản phẩm giáo viên. Còn các cơ sở đào tạo sư phạm lại chính là nơi sản xuất ra các sản phẩm này, đứng ở giữa chịu trách nhiệm điều phối quan hệ cung cầu chính là các cấp thẩm quyền ở địa phương và Trung ương. Cơ chế thị trường rất cần có sự bắt tay của 3 “nhà”: Nhà sản xuất (các cơ sở đào tạo sư phạm) - nhà sử dụng (các nhà trường phổ thông) - Nhà nước (địa phương và Trung ương).
3 “nhà” này cần ngồi lại với nhau, cùng điều tra nghiên cứu, thống kê, lập quy hoạch, phân cấp, thống nhất trong quá trình tuyển dụng nhân sự và tinh giản biên chế. Chẳng hạn, trong phạm vi thẩm quyền hoạt động của Sở GD&ĐT (thông qua các phòng GD&ĐT) nếu phát hiện thiếu GV âm nhạc ở nhà trường của địa phương nào đó, họ có quyền ký hợp đồng đào tạo với GV âm nhạc với nhà trường sư phạm nào đó ở trong và ngoài tỉnh.
Chính vì vậy, cần có cơ chế đặt hàng các đơn vị đào tạo sư phạm hiện nay. Do đó, vai trò của cấp thẩm quyền địa phương rất quan trọng trong việc giải quyết bài toán về tinh giản biên chế hiện nay sao cho trọn lý vẹn tình. Tuy nhiên, ở đây phải đề cao vai trò cấp nhà trường (hội đồng trường, ban giám hiệu…) trong việc giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo giáo viên trong quá trình sử dụng để cấp thẩm quyền địa phương trực tiếp giải trình trách nhiệm với các cử tri (Hội đồng nhân dân) về tình trạnh thừa, thiếu và chất lượng sử dụng GV.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định khung số người, khối lượng công việc của cán bộ ngành Giáo dục. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ phải làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ tăng biên chế nếu tăng lớp, tăng trường, xem xét lại định mức biên chế các cấp học có nhu cầu lớn về GV để đáp ứng đổi mới CTGDPT mới.
Quá trình này sẽ giúp cho việc thu thập số liệu thống kê nhân sự ngành Giáo dục cập nhật chính xác. Điều quan trọng là phải tạo cơ chế để các cấp thẩm quyền (sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và lãnh đạo các nhà trường phổ thông) chủ động, sáng tạo trong việc điều chỉnh, giảm biên chế và chịu trách nhiệm giải trình về quá trình này với cử tri nơi họ đảm nhiệm thông qua Hội đồng nhân dân các cấp.