Ngày 15/8, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị giáo dục công lập thuộc tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh, số biên chế cần bổ sung nói trên nhằm bảo đảm nhu cầu dạy và học trong năm học 2023-2024 tại địa phương cũng như đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Báo cáo cũng chỉ ra, sau gần 20 năm kể từ thời điểm tái lập (1/1/2004) Đắk Nông vẫn là vùng kinh tế mới, thu hút nhiều lao động về địa phương sinh sống và làm việc.
Thiếu giáo viên dẫn tới nhiều thiệt thòi cho học sinh ở Đắk Nông (ảnh: CTV). |
Thêm nữa, nhiều năm qua, dân di cư không theo quy hoạch từ các tỉnh biên giới phía Bắc sinh sống phân tán tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa gây ra nhiều khó khăn cho công tác tổ chức dạy và học.
Hiện số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao hằng năm không đủ để đảm bảo nhu cầu công việc hiện nay.
Bên cạnh đề nghị bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, Đắk Nông cũng kiến nghị các cấp, các ngành tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, trong bối cảnh tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh còn thấp so với nhu cầu và mặt bằng chung của cả nước.
Theo dự kiến, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 90 trường mầm non với gần 27.000 học sinh; 132 trường tiểu học với gần 75.000 học sinh; 87 trường trung học cơ sở với gần 48.000 học sinh; 34 trường trung học phổ thông với gần 26.000 học sinh.
Đánh giá của Sở GD&ĐT Đắk Nông cũng cho thấy, mấy năm gần đây, số lượng học sinh các cấp luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Điển hình năm học 2022-2023 vừa qua, toàn tỉnh có gần 183.000 học sinh, tăng hơn 7.000 em so với năm học 2021-2022.