Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là các bệnh nhân BN1719, BN1746, BN1694, BN1560, BN1950, BN2268, BN1873, BN1968, BN2005, BN1718, BN1717, BN1697, BN2069, BN1696.
Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 1.804 bệnh nhân, trong đó hơn 80% khỏi bệnh sau hơn 1 tuần điều trị.
Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 19/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định diễn biến dịch tại Hải Dương vẫn phức tạp, trung bình mỗi ngày hơn 20 ca. Số ca mắc kéo dài suốt 22 ngày, chiếm 76,2% số ca mắc của cả nước trong đợt dịch này.
Về tình trạng lâm sàng của bệnh nhân, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đến nay 83,3% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng; 14,2% có biểu hiện nhẹ. Ví dụ một trường hợp F2 tại Hải Dương ở nhà tới 7 ngày. Khi F1 dương tính, người này mới được phát hiện. Do đó, ông Khuê lưu ý các địa phương phải hết sức cảnh giác.
Số bệnh nhân nặng là 15 ca, chiếm 2,1%. Hiện nay, cả nước có 2 bệnh nhân tiên lượng nguy kịch, là bệnh nhân 1536, cụ bà 79 tuổi nhập cảnh từ Mỹ hiện đang điều trị tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng và bệnh nhân 1823, 65 tuổi, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW. 2 ca bệnh nặng đã được hội chẩn quốc gia liên tục để xin ý kiến chuyên gia trong quá trình điều trị.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay các địa phương cần chủ động. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố chưa có dịch cũng phải sẵn sàng kịch bản điều trị. Những bệnh nhân nặng đều được các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị hội chẩn, hướng dẫn chuyên môn.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Với số lượng bệnh nhân đông, các cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và điều trị bệnh nhân COVID-19 đã nỗ lực rất nhiều để điều trị người bệnh và phòng chống dịch tại bệnh viện.
Từ thực tiễn ca bệnh mới nhất tại Gia Lai cho thấy, bệnh nhân đã đến bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai khám và đã đi qua một vài khoa nhưng do không hề có triệu chứng hay dấu hiệu gì của COVID-19 mà chỉ có 1 biểu hiện khiến bệnh nhân phải đi khám là về tiêu hoá nên chỉ đến khi vào Khoa Tiêu hoá khám chuyên sâu thì các bác sĩ mới yêu cầu bệnh nhân quay trở lại phòng khám cách ly.
Trước đó, thông tin tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch COVID-19 chiều 2/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, qua phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 mới đợt này cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.
Bản tin 6h ngày 25/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đến 6h ngày 25/02, Việt Nam có tổng cộng 1513 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 820 ca.
Trong đó, Hải Dương có 636 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (35 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (2 ca).
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế:
- Khẩu trang
- Khử khuẩn
- Khoảng cách
- Không tụ tập
- Khai báo y tế.