Tin vui đến với làng Vân

GD&TĐ - Tin vui vừa đến với làng Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khi hai di tích kháng Pháp đã được lãnh đạo thành phố kết luận giữ lại nguyên trạng.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Đó là đồn Chơn Sảng và trạm Nam Chơn được các nhà nghiên cứu xác định thuộc hệ thống thành phòng thủ của nhà Nguyễn trong kháng chiến chống thực dân Pháp cách đây khoảng hơn 200 năm.

Chính sử vẫn còn ghi hai điểm di tích này đều ghi dấu những trận đánh oanh liệt của cha ông trước sự tấn công đầu tiên của thực dân Pháp vào Việt Nam. Đặc biệt, trạm Nam Chơn (trước là đồn Nam Chơn) nằm gần bờ biển có đến hai trận đánh, góp phần quan trọng vào việc chặn đứng bước chân của quân xâm lược tại Đà Nẵng.

Trải qua hàng trăm năm biến thiên, song dấu tích của hai di tích vẫn còn đó, nhất là hệ thống thành xây dựng bằng đá và hào sâu, dù bị che khuất bởi sự hoang hóa trong hơn 10 năm qua khi người làng Vân (ốc đảo) được chính quyền di dời vào đất liền, nhường đất cho dự án xây dựng Khu sinh thái phía Tây của thành phố.

Dù được phát hiện gần đây song từ đánh giá “chúng ảnh hưởng trực tiếp đến bố cục và định hướng phát triển không gian cũng như tiến độ thực hiện của dự án”, Sở Văn hóa & Thể thao TP Đà Nẵng đề xuất “Lựa chọn vị trí phù hợp để phục dựng mô hình kiến trúc hiện trạng và trình chiếu phim bằng công nghệ 3D về hai công trình di tích đó”.

Tuy nhiên, địa phương cũng như chuyên gia nêu ý kiến cần giữ lại để không chỉ lưu giữ ký ức lịch sử về các công trình phòng thủ ven biển của triều Nguyễn tại Đà Nẵng mà hoàn toàn có thể góp phần phát triển du lịch tại đây. Thật mừng khi ý kiến đó của người dân địa phương và chuyên gia đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lắng nghe, tiếp thu.

Từ đây, những di tích, dấu tích trong cuộc kháng Pháp năm xưa tiếp tục được lưu giữ và chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu cho điểm đến này, nhất là giá trị thực tế khó có thể đo đếm khi thế hệ sau được dừng chân, trải nghiệm trực tiếp bằng cả tấm lòng ngưỡng mộ, biết ơn.

Việc lưu giữ bằng công nghệ 3D hay phục dựng ở vị trí khác cũng là một phương án bảo tồn song chỉ nên áp dụng đối với những di tích lịch sử bị mất hoàn toàn dấu tích.

Khi di tích vẫn còn nguyên trạng thì hà cớ gì lại phá bỏ, rồi bắt người đời sau phải đứng ở một điểm khác tưởng tượng và mất đi những cảm xúc đặc biệt của việc trải nghiệm ngay trên nền di tích mấy trăm tuổi.

Bởi vậy, không riêng gì đồn Chơn Sảng và trạm Nam Chơn, các cơ quan chuyên môn cần có thái độ ứng xử công bằng hơn với di tích lịch sử, văn hóa, có tầm nhìn vì những giá trị lâu bền chứ đừng viện cớ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế để rồi nhanh chóng có những tham mưu thiếu chính xác, khéo khi khiến không ít di tích bị xóa sổ.

Mà trong sự phát triển của ngành công nghiệp không khói như hiện nay thì đâu phải các di tích, chứng tích không có giá trị kinh tế? Cần hơn cả là thái độ trân trọng từ đó có cách khai thác sao cho vẹn cả đôi đường: Phát huy mà vẫn bảo tồn những giá trị quý giá cho muôn đời sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ