Tin vào "bánh vẽ", nhiều nhà đầu tư ôm quả đắng

Ngoài việc quản trị kém dẫn đến doanh thu nhiều doanh nghiệp bỗng dưng “bốc hơi”, sự “nhảy múa” liên tục của các đồng ngoại tệ trong năm 2016 cũng được đánh giá là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phải ngậm ngùi báo lỗ “khủng” dù mục tiêu đề ra đầu năm trước đại hội cổ đông và nhà đầu tư đều là những gam màu sáng...

Tin vào "bánh vẽ", nhiều nhà đầu tư ôm quả đắng
Tin vao

Hai doanh nghiệp của bầu Đức “dẫn đầu” trong danh sách lỗ nghìn tỷ

Kế hoạch lãi đậm nhưng kết quả lại... lỗ nặng

Năm 2016 là một năm buồn của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF), mặc dù trước đó, TTF đặt mục tiêu là có lãi 323 tỷ đồng.

Cụ thể, TTF bắt đầu lao dốc từ khi phải ghi nhận khoản lỗ đột biến trong quý II/2016 khi phải trích lập cho hàng tồn kho bị thiếu sau kiểm kê và sau đó là những sai sót “khó hiểu” trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp này.

Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế năm 2016 của TTF đã xuống mức âm 1.629,2 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 1.446,08 tỷ đồng. Với kết quả này, TTF đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Mới đây nhất, cựu Chủ tịch của TTF là ông Võ Trường Thành cùng với gia đình đã phải “lấy tài sản cá nhân” để khắc phục hậu quả cho những sai sót trong việc quản trị và điều hành của mình.

Từ đây, cổ phiếu TTF bắt đầu quay về được mệnh giá 9.000 đồng/CP (thời điểm trước đây chỉ quanh vùng giá 5.000-6.000 đồng/CP).

Dẫu vậy, nếu so với thời điểm TTF ở mức giá 43.600 đồng/CP trước thời điểm hé lộ ra khoản lỗ “khủng” thì khoản tiền mà nhà đầu tư mất vào TTF là không nhỏ.

Xếp thứ hai trong danh sách những doanh nghiệp “lỗ khủng” trong năm 2016 là công ty của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức).

Mặc dù các khoản nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) đang được các tổ chức tín dụng cơ cấu, hoãn nợ nhưng cũng bởi gánh nặng tài chính khiến năm 2016 doanh nghiệp này tiếp tục gánh khoản lỗ “khủng” lên tới 1.414,6 tỷ đồng.

Cùng với đó, công ty con của HAG là HAGL Agrico (mã HNG) cũng suýt chạm mức lỗ nghìn tỷ ghi ghi nhận khoản lỗ đến 989 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng “dự kiến” có lãi trong năm 2016 nhưng kết quả lại khá thê thảm. Trong đó, chú ý nhất là những doanh nghiệp có “dây mơ, rễ má” với ông Hà Văn Thắm.

Cụ thể, tại Ocean Group (mã OGC), đã 2 năm kể từ khi nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hà Văn Thắm bị bắt, Ocean Group đặt mục tiêu năm 2016 đạt lợi nhuận 83,4 tỷ đồng nhưng kết quả lại lỗ tới 727 tỷ đồng. Mới đây nhất, OGC đặt mục tiêu năm 2017 với mức lợi nhuận sau thuế là... âm 14 tỷ đồng.

Tương tự, Ocean Hospitality (mã OCH) cũng đặt mục tiêu năm 2016 với lợi nhuận 44,9 tỷ đồng nhưng kết quả lại lỗ tới 154 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bất ngờ nhất lại là kết quả kinh doanh của ông vua cá tra - Thủy sản Hùng Vương (mã HVG). Trước đó, công ty này đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 375 tỷ đồng nhưng kết quả là sau kiểm toán, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đã từ có lãi 64,6 tỷ đồng biến thành lỗ 49,3 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Cao Su Quảng Nam (mã VHG) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận 50 tỷ đồng trong năm 2016 nhưng kết quả lại là khoản lỗ lên tới hơn 23,9 tỷ đồng.

Tin “bánh vẽ” hay tin “giá trị nội tại” của doanh nghiệp?

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu công bố kế hoạch kinh doanh năm 2017, trong đó có những kế hoạch đầy tham vọng.

Chẳng hạn, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (mã AGF). Doanh nghiệp này dự định kế hoạch năm 2017 đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng (giảm 24% so với thực hiện năm 2016), nhưng lợi nhuận trước thuế lại ước đạt 50 tỷ đồng, gấp gần 13 lần so với thực hiện của năm 2016 (3,9 tỷ đồng).

Một doanh nghiệp cũng thu hút sự chú ý không kém là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG). Cụ thể, MWG dự kiến sẽ lãi 2.200 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2016.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác thì lại dự kiến tăng vốn “khủng” trong năm 2017. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (mã BHS) đang có kế hoạch tăng vốn từ hơn 1.295 tỷ đồng lên 2.978 tỷ đồng (gấp 2,3 lần) thông qua phát hành 38,85 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 30%) và chào bán 129,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) dự định nâng vốn lên mức 3.473 tỷ đồng (tăng 77% so với hiện tại).

Còn Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) thì dự kiến vốn điều lệ năm 2017 dự kiến đạt hơn 15.171 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với hiện tại.

Liên quan đến việc nhà đầu tư nên chọn đầu tư các dự án “khủng” hay tiếp tục tin vào “giá trị nội tại” của doanh nghiệp, anh Hoàng Trọng Quyền - Chuyên viên một Công ty Chứng khoán tại TPHCM - thì cho rằng, chưa thể có đánh giá chính xác về vấn đề này trong kế hoạch đầu tư nếu chưa nắm rõ được “sức khỏe” thực tế của các doanh nghiệp.

“Tôi ví dụ, năm 2016, Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) đặt kế hoạch lợi nhuận 500 tỷ đồng nhưng kết thúc năm chỉ đạt hơn 112 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch đặt ra.

Nhưng ai biết trong năm 2017 này thì thế nào khi HQC có hàng loạt dự án nhà ở xã hội ở nhiều tỉnh thành sắp đưa vào hoàn thiện năm 2017.

Trong khi đó, một doanh nghiệp khác là Thủy sản Hùng Vương (mã HVG), dù được dự báo là có nhiều yếu tố làm nên lãi lớn nhưng kết quả là ngược lại” - Anh Quyền ví dụ.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ