Tín hiệu vui với giáo viên vùng khó

Tín hiệu vui với giáo viên vùng khó
Vườn rau tăng gia tại khu nhà ở công vụ cho giáo viên Trường THCS Yên Bài A (Ba Vì). Ảnh: N.N
Vườn rau tăng gia tại khu nhà ở công vụ cho giáo viên Trường THCS Yên Bài A (Ba Vì). Ảnh: N.N

PV:  Xin ông cho biết khái quát về mục đích, nội dung của đề án?

Ông Lương Tất Thùy: Vấn đề nhà ở cho giáo viên hiện nay rất bức xúc, đặc biệt là giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn, nếu không có, không thể thu hút được giáo viên lên công tác, giáo dục miền núi sẽ chậm phát triển. Bên cạnh đó, việc xây dựng đời sống văn hóa cho đội ngũ giáo viên sống ở khu nhà công vụ cũng là yêu cầu mang tính cấp thiết và lâu dài nhằm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác và công hiến lâu dài ở vùng khó khăn.

Ông Lương Tất Thùy. Ảnh: N.N
Ông Lương Tất Thùy. Ảnh: N.N

Đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển đời sống văn hóa của giáo viên miền núi” nhằm góp phần triển khai Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; đẩy mạnh tiến độ thực hiện mục tiêu xây dựng 1000 nhà công vụ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam kêu gọi trong năm 2007; thực hiện Chỉ thị số 40/2008 CT-BGD&ĐT ngày 22/7/2008 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013.

Mục đích của đề tài này nhằm nghiên cứu giải pháp phát triển đời sống văn hoá của giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa; nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về đời sống văn hoá của giáo viên đang công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa từ đó đề xuất các giải pháp và xây dựng mô hình chung về phát triển đời sống văn hoá của giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đề án sẽ tập trung vào các nội dung: Khảo sát đời sống văn hoá nhà giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng đời sống văn hoá giáo viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay. Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng từ chế độ chính sách đối với nhà giáo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đề xuất những giải pháp và mô hình về đời sống văn hoá nhà giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Từ lý luận và thực tiễn, dựa vào cơ sở nghiên cứu khoa học của đề án. Công đoàn Giáo dục các cấp phối hợp với chính quyền đồng cấp vận động các cơ sở trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tổ chức thực hiện và đề xuất với ngành phát động cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hoá trường học”.

PV: Thưa ông, khi vấn đề xây dựng nhà công vụ cho giáo viên còn chưa hoàn tất, việc triển khai đề án thời điểm này đã là phù hợp chưa?

Ông Lương Tất Thùy: Việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động từ năm 1998 đến nay và đã đạt được những thành quả nhất định. Đặc biệt được Đảng và Nhà nước đã đưa ra những chính sách và đưa vào chương trình mục tiêu: Kiên cố hoá trường học và xây nhà công vụ cho giáo viên ở những vùng khó khăn. Một mặt Nhà nước vẫn tiếp tục cấp ngân sách để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, mặt khác Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục vận động đội ngũ nhà giáo và cán bộ trong ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp xây dựng vừa phát huy được nội lực của ngành, vừa góp phần nhỏ bé của mình vào việc thực hiện chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc triển khai trong thời điểm này là phù hợp bởi lẽ có nhà công vụ rồi, phải nghĩ đến thiết bị bên trong, sinh hoạt trong ngôi nhà chung đó như thế nào để bảo đảm thực sự  là văn hoá và trở thành trung tâm văn hoá của địa phương, để học sinh và phụ huynh học sinh học tập noi theo.

PV: Đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, 3 vấn đề có thể nói là bức thiết liên quan trực tiếp đến đời sống nhà giáo là: điện, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh…Đề án đề ra giải pháp gì,  biện pháp triển khai cụ thể như thế nào để giải quyết vấn đề này?

Ông Lương Tất Thùy: Căn cứ vào Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào và dân tộc miền núi giai đoạn 2006 - 2010: đưa ra các chỉ tiêu cụ thể: phấn đấu 100% xã có đủ trường, lớp học kiên cố, có lớp bán trú ở nơi cần thiết; 80% số thôn, bản có điện ở cụm dân cư, giải quyết và đáp ứng cơ bản về nhà sinh hoạt cộng đồng…

Về nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho nhân dân ở các xã đăc biệt khó khăn: phấn đấu 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 80% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt; kiểm soát, ngăn chặn các bệnh nguy hiểm; tăng tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh lên trên 50%; trên 90% số học sinh tiểu học, 75% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; trên 95% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được giúp đỡ pháp luật miễn phí.

Trên cơ sở thực hiện Quyết định 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiên cố hoá trường học, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 với mục tiêu: Giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, các xã có nhiều đồng bào dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám sát và đề xuất với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 20/2008/QĐ-TTg về thực hiện đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012.

Chỉ đạo Công đoàn Giáo dục các cấp tổ chức thực hiện đạt các chỉ tiêu theo Quyết định 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào và dân tộc miền núi giai đoạn 2006 - 2010.

Chỉ đạo công đoàn cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, tổ chức thực hiện xây dựng mô hình đời sống văn hoá theo tiêu chí xây dựng “đời sống văn hoá cơ sở” do Mặt trận Tổ quốc phát động. Tổng kết điển hình ở những nơi làm tốt, nhân điển hình trên diện rộng theo vùng, miền, khu vực.

PV: Không chỉ vùng sâu, vùng xa, ngay ở những huyện ngoại thành vấn đề đời sống tinh thần nhà giáo cũng được đặt ra. Đề án có quan tâm đến đối tượng này, đặc biệt là các giáo viên không ở nhà công vụ?

Ông Lương Tất Thùy: Đề án đang và mới chỉ đề cập đến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Còn ở thành phố chưa đề cập đến. Song về đời sống tinh thần nhà giáo ở thành phố nói chung và ngoại thành nói riêng - Đây là nhiệm vụ của Công đoàn Giáo dục các cấp phải quan tâm không những về vật chất mà cả tinh thần. Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong nhiệm vụ công tác công đoàn cũng xác định “Xây dựng đời sống văn hoá trường học” cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn ngành giáo dục. Chính đây là hoạt động thực hiện xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

PV: Ông có thể cho biết lộ trình thực hiện Đề án?

Ông Lương Tất Thùy: Từ tháng 1 đến tháng 12/2010, xây dựng đề cương chi tiết; nghiên cứu cơ sở lý luận, quan điểm của Đảng, Nhà nước; Lập phiếu khảo sát thực tế; Tổ chức khảo sát thực trạng đời sống văn hoá nhà giáo (ở các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, vùng sâu và xa đồng bằng Nam bộ)

Từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012 sẽ tổ chức đánh giá thực trạng đời sống văn hoá nhà giáo thông qua phiếu khảo sát; tổ chức hội thảo; xây dựng báo cáo chính thức của đề tài khoa học; tổ chức đánh giá cấp cơ sở và tiếp thu ý kiến của cơ sở; Tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp Bộ./.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ