Tín hiệu vui

GD&TĐ - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có hơn 50 trường đại học đào tạo giáo viên. Quy mô đào tạo chính quy trên 50 nghìn giáo sinh.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Năm 2021 chứng kiến sự quay trở lại tốp đầu của nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng vọt. Nhóm ngành này có tổng chỉ tiêu là hơn 50 nghìn nhưng số lượng đăng ký nguyện vọng 1 là trên 68 nghìn.

Vẫn giữ vững “danh hiệu” tốp đầu, năm nay tuyển sinh sư phạm tiếp tục có bước tiến cả về số lượng và chất lượng. Điều này lý giải vì sao các chuyên gia ghi nhận, điểm sáng trong bức tranh điểm chuẩn năm 2022 thuộc về các trường sư phạm khi mà hầu hết cơ sở đào tạo đều có điểm trúng tuyển ở mức cao hoặc tăng so với năm 2021. Nhiều ngành, thí sinh phải đạt 29 - 30 điểm/3 môn mới có cơ hội trúng tuyển.

Ngoài ra, theo số liệu của Bộ GD&ĐT, trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là trên 567.000. Trong đó, riêng cao đẳng sư phạm có hơn 3.500 thí sinh trúng tuyển, đạt tỷ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển. Số liệu này là một trong những minh chứng cho tín hiệu đáng mừng của ngành sư phạm.

Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những lý do giúp sư phạm “vượt khó, tăng tốc” là Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, chính sách ưu đãi hỗ trợ sinh viên sư phạm về học phí và sinh hoạt phí đã đi vào thực tiễn. Cùng với đó là sự quan tâm của Bộ GD&ĐT với những cơ chế nhằm tăng sức hút cho ngành sư phạm. Tất nhiên, cũng phải kể đến sự chủ động tích cực trong đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo.

Âu cũng là quy luật tự nhiên bởi các trường sư phạm vẫn được coi là những “cỗ máy cái” đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo logic, có đội ngũ thầy, cô giáo giỏi, tận tâm, yêu nghề thì nền giáo dục mới phát triển, đất nước mới phồn thịnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù có cơ chế, chính sách đãi ngộ đến đâu, “mở cửa” và “kích cầu” như thế nào thì thương hiệu về chất lượng đào tạo mới tạo nên sức hút của các trường sư phạm. Đây mới là yếu tố căn cơ và mang tính bền vững.

Ai cũng hiểu, muốn nâng cao chất lượng đầu vào, nói cách khác muốn có nhiều người giỏi theo học sư phạm, đòi hỏi các trường phải không ngừng cải tiến về mọi mặt. Trong đó, cần có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời, đổi mới, phát triển chương trình đào tạo qua tiếp cận với các chương trình giáo dục của những nước tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Lẽ dĩ nhiên, chất lượng của các trường sư phạm có vai trò rất lớn trong việc quyết định chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Thầy giỏi trò mới giỏi. Song, bản thân mỗi sinh viên sư phạm phải có tình yêu với giáo dục, coi nghề giáo là hình mẫu để học tập và rèn luyện phẩm chất, đạo đức để trở thành giáo viên tốt, vững vàng nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ