Tín hiệu tốt từ những thử nghiệm vaccine Covid-19 đầu tiên

GD&TĐ - Cuộc chiến chống Covid-19 đã chuyển sang một bước ngoặt mới sau khi 2 loại vaccine cho biết có kết quả thử nghiệm đáng khích lệ.

Vaccine của Pfizer Inc và đối tác BioNTech có tỷ lệ thành công cao nhất cho đến nay.
Vaccine của Pfizer Inc và đối tác BioNTech có tỷ lệ thành công cao nhất cho đến nay.

Gần một năm kể từ khi Covid-19 được phát hiện, hàng tỷ USD đã được đổ vào các nỗ lực nghiên cứu và hàng chục nghìn tình nguyện viên đã tham gia vào các thử nghiệm quy mô lớn khi các gã khổng lồ dược phẩm đua nhau cung cấp vaccine với tốc độ kỷ lục.

Khi thế giới đang cố gắng xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến chống dịch, dưới đây là những gì chúng ta biết cho đến nay về cuộc chạy đua sản xuất vaccine trên toàn cầu.

Những người đi trước

Công ty dược phẩm Mỹ Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine Covid-19 của họ, cho thấy hiệu quả 95% - tỷ lệ thành công cao nhất đối với bất kỳ ứng viên nào trong các thử nghiệm giai đoạn cuối đến thời điểm này.

Theo kết quả thử nghiệm, vaccine không có tác dụng phụ nghiêm trọng và có hiệu quả 94% ở người lớn tuổi, những người thường dễ bị Covid-19 nặng hơn.

Thông tin trên đưa ra vài ngày sau khi Moderna của Mỹ công bố dữ liệu đầy hứa hẹn cho thấy ứng cử viên vaccine của họ hiệu quả 94,5%.

Tuần trước, Nga cũng cho biết kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy ứng cử viên vaccine của họ đạt hiệu quả 92%.

Vaccine đầu tiên có hiệu quả hơn 90% là vaccine Sputnik V của Nga. Ngày 11/11, vaccine này cho kết quả thử nghiệm tạm thời là 92%.

Nhìn chung, có 12 ứng cử viên vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm, bao gồm cả ứng cử viên do AstraZeneca hợp tác với ĐH Oxford phát triển.

Giai đoạn 3 của thử nghiệm hoạt động như thế nào?

Giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm vaccine có sự tham gia của hàng ngàn người với nhiều hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau.

Ví dụ, Pfizer và BioNtech tuyển khoảng 44.000 người, trong khi đó khoảng 30.000 người tham gia vào thử nghiệm Moderna.

“Cách thức hoạt động là một nửa số người tham gia được tiêm vaccine Covid-19, trong khi nửa còn lại được tiêm giả dược, thường là dung dịch nước muối – Phó tổng giám đốc các chương trình của WHO Soumya Swaminathan cho biết: “Sau đó, bạn sẽ theo dõi bản đồ và xem xét sự phát triển của bệnh... tìm hiểu có ai phát triển các triệu chứng không và bạn tiếp tục theo dõi những người khác trong ít nhất 12 tháng”.

Trong thử nghiệm của Pfizer-BioNTech, kết quả được dựa trên 170 ca mắc Covid-19. Trong số đó 8 người tham gia trước đó đã được tiêm vaccine, trong khi những người khác nhận được giả dược. Điều này có nghĩa là vaccine đã ngừa được 95% ca mắc.

Moderna đã thực hiện phân tích tạm thời sau 95 ca mắc Covid-19, chỉ 5 người trong số đó được tiêm vaccine.

Do tình huống khẩn cấp, một vaccine có thể được cơ quan quản lý cho phép sử dụng tạm thời trước khi được phê duyệt chính thức.

Cơ quan quản lý sẽ làm gì?

Cơ quan quản lý xem xét dữ liệu và kiểm tra mức độ hiệu quả của các vaccine.

“Thông thường quá trình xem xét như vậy có thể mất một năm hoặc hơn, nhưng trong trường hợp này này sẽ mất vài tuần” - Giảng viên cao cấp Amir Khan tại trường Y của ĐH Leeds và ĐH Bradford cho biết.

Nếu các công ty dược phẩm được chấp nhận, họ sẽ có giấy phép tạm thời để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời tiếp tục cung cấp dữ liệu cho cơ quan quản lý. Nếu kết quả vẫn khả quan sau 12 tháng, cơ quan quản lý sẽ trao giấy phép thông thường.

Pfizer và BioNTech dự kiến sản xuất tới 50 triệu liều vaccine toàn cầu trong năm nay và khoảng 1,3 tỉ liều vào cuối năm 2021.

Chuyên gia nói gì?

Các chuyên gia hoan nghênh kết quả của các ứng cử viên vaccine trên nhưng lưu ý rằng vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp.

“Tất cả kết quả đã thấy đến nay dựa trên 3-4 tháng phân tích theo dõi, có nghĩa là chúng tôi không thể nói điều gì về khả năng bảo vệ lâu dài của vaccine hoặc những tác dụng phụ của chúng” – bà Swaminathan của WHO cho biết: “Trong các điều kiện khác, bạn sẽ không bao giờ sử dụng vaccine với thời gian hạn chế như vậy. Nhưng bởi vì trong đại dịch, chúng ta phải cân bằng giữa rủi ro và nhu cầu thiết yếu”.

Bên cạnh đó, khi nhiều quốc gia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19, các quan chức y tế cảnh báo chống lại sự tự mãn và kêu gọi các chính phủ, cá nhân phải cảnh giác. 

Theo Al Jazzera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.