Nếu ví Nghị quyết số77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm cơ chế tự chủ như một đòn bẩy thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực vào ngày 1/7/2019 sẽ vừa là cú huých, vừa là làn gió mới để các trường đại học bứt phá và phát triển. Bởi khi đó, các trường sẽ có đủ cơ sở pháp lý thực hiện quyền tự chủ của mình, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.
Hỏi lãnh đạo một trường đại học rằng, nhà trường đón đợi chính sách tự chủ như thế nào, vị lãnh đạo dí dỏm nói: Giáo dục đại học muốn phát triển thì phải được tự chủ. Nay cơ hội đến rồi, việc còn lại là chiến lược phát triển! Chúng tôi sẽ “bung lụa” để hội nhập thế giới.
Nhớ lại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua, khi thảo luận ở hội trường về dự án luật này, hầu hết các đại biểu đều bày tỏ đồng tình cao với các đề xuất trong dự án luật, đặc biệt là chính sách về tự chủ đại học. Nhiều đại biểu cho rằng, tự chủ là vấn đề cốt yếu của giáo dục đại học vì thế mong Quốc thông qua dự án luật để tạo cơ sở hành lang pháp lý cho các trường đại học phát triển và hội nhập quốc tế. Trong nghị trường và bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu còn khẳng khái phát biểu: Tự chủ là con đường duy nhất để giáo dục đại học Việt Nam thay đổi.
Thực ra, điều này rất dễ hiểu bởi bấy lâu nay, các trường đại học của chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn, rào cản về cơ chế, chính sách. Nay “nút thắt” này đã được tháo gỡ và các trường sẽ được trao quyền tự chủ. Đây không chỉ là cơ hội để các trường đại học phát triển mà còn giúp các trường khai phóng và sáng tạo ra tri thức.
Trên thực tế, vấn đề tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam đã được đề cập từ năm 2003 trong Điều lệ Trường đại học. Đến năm 2005, tự chủ được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, giáo dục đại học buộc phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, các cơ sở giáo dục đại học công lập phải được quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân sự, tài chính; đồng thời tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Qua đó cho thấy, từ lâu chúng ta đã nhìn nhận: Tự chủ là vấn đề cốt yếu và là bước đột phá của giáo dục đại học. Chỉ có điều thời gian, tiềm lực và cơ chế chưa đủ để chúng ta thực hiện.
Trở lại với câu chuyện của hiện tại và tương lai, qua gặp gỡ và trao đổi với nhiều trường đại học cho thấy, các trường đã sẵn sàng tâm thế để đón nhận những chính sách mới từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Mặc dù luật chưa chính thức có hiệu lực, nhưng các trường đã “rục rịch” chuyển động để bắt kịp với xu thế. Theo đó, nhiều trường đã xây dựng những đề án chiến lược phát triển, tham gia kiểm định chất lượng và từng bước xây dựng văn hóa chất lượng nhà trường.
Còn có trường đã áp dụng phương thức giao khoán đặt hàng trong nghiên cứu khoa học nhằm giúp cán bộ, giảng viên từng bước thích nghi với cơ chế mới khi luật có hiệu lực thi hành. Cũng có một số trường tiến hành khảo sát về mức độ hài lòng của sinh viên với chất lượng đào tạo của nhà trường, khảo sát về tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo của sinh viên sau khi ra trường. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình đào tạo...
Rõ ràng, cơ chế, chính sách tự chủ ít nhiều đã làm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của các trường đại học. Các trường đã và đang chuyển mình thực sự để bắt nhịp với xu thế mới, từng bước xây dựng thương hiệu của mình bằng uy tín và chất lượng. Đó không chỉ là một tín hiệu tốt mà là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, chính sách về tự chủ sẽ đi vào cuộc sống và phát huy giá trị từ thực tiễn, tạo ra diện mạo cho giáo dục đại học nước nhà.