Tính chung 10 tháng của năm 2017, cả nước có thêm 105.125 DN thành lập mới...
Tăng mạnh cả về số lượng và vốn đăng ký
Tính chung 10 tháng qua, cả nước đã có 105.125 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.021,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% về số DN và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 25,5%.
Nếu tính cả 1.414,5 nghìn tỷ đồng của hơn 29,5 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2017 là hơn 2.436 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 22.765 DN quay trở lại hoạt động, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên gần 128.000 DN. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 10 tháng là 976,4 nghìn người, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 10, cả nước có 1.329 DN quay trở lại hoạt động, giảm 31,7% so với tháng trước; có 4.043 DN tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 2.550 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 1.493 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể), giảm 9%; có 1.058 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 7,7%.
10 tháng, số DN thành lập mới tại các vùng trong cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có 44,5 nghìn DN, tăng 13,1% (vốn đăng ký 525,9 nghìn tỷ đồng, tăng 73,2%); Đồng bằng sông Hồng 31,6 nghìn DN, tăng 14,3% (vốn đăng ký 246,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3%); Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 14,3 nghìn DN, tăng 14,1% (vốn đăng ký 131,2 nghìn tỷ đồng, tăng 80,7%); Đồng bằng sông Cửu Long 7,5 nghìn DN, tăng 15% (vốn đăng ký 53,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2%); Trung du và miền núi phía Bắc 4,4 nghìn DN, tăng 28% (vốn đăng ký 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 30,8%); Tây Nguyên 2,7 nghìn DN, tăng 23,9% (vốn đăng ký 20.000 tỷ đồng, tăng 37,3%).
Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng năm 2017 là 9.794 DN, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 8.979 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,7%. Nếu phân theo loại hình DN, trong tổng số DN hoàn tất thủ tục giải thể, có 4.145 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 42,3%); 2.863 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,2%); 1.536 DN tư nhân (chiếm 15,7%) và 1.248 công ty cổ phần (chiếm 12,7%).
Số DN tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng là 52.782 DN, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 19.619 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 11,6% và 33.163 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 0,1%. Trong tổng số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, có 8.301 công ty TNHH 1 thành viên; 6.221 công ty TNHH 2 thành viên; 3.370 công ty cổ phần; 1.724 DN tư nhân và 3 công ty hợp danh.
Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể
So với tháng 9, số DN thành lập mới và số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong tháng 10 đều tăng mạnh. Đặc biệt, so với tháng 9, số DN thành lập mới trong tháng 10 cũng đã tăng mạnh cả số lượng và quy mô vốn.
Có rất nhiều nguyên nhân, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, có sự tăng đột biến như vậy là bởi tháng 9 rơi vào tháng 7 âm lịch, tháng ngâu nên tâm lý nhiều DN không muốn thành lập mới, do đó đã đổ dồn sang tháng 10. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể sau một loạt các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm hơn 50% điều kiện kinh doanh do Bộ quản lý. Đồng thời, mới đây, Bộ TN&MT cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 36 điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời sửa đổi 15 điều kiện yêu cầu đối với cá nhân trong DN, chiếm gần 45% điều kiện kinh doanh thuộc Bộ này quản lý.
Chính những sửa đổi như vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, người dân và DN sẽ được tạo thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới lĩnh vực tài nguyên, môi trường.