Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên trách xem xét có biện pháp cụ thể để xử lý, ngăn chặn hành vi của các doanh nghiệp trên theo quy định của pháp luật.
Ở bài viết này, không đề cập đến sự đúng, sai của sự việc lùm xùm trên, chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh là việc doanh nghiệp cả gan “hành” cơ quan quản lý Nhà nước. Từ trước đến nay chỉ nghe chuyện người dân, doanh nghiệp bị cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức “hành” chứ ít khi nghe chuyện “lạ đời” là người dân, doanh nghiệp lại đi… “hành” cơ quan Nhà nước.
Có thể nói đây là lần đầu tiên một Bộ phải “kêu cứu” người đứng đầu Chính phủ vì bị doanh nghiệp “quấy nhiễu”, gây phiền hà. Tuy vậy, đây lại là tín hiệu vui về một Chính phủ kiến tạo, gần dân, vì dân phục vụ.
Với việc cơ quan Nhà nước có khá nhiều quyền lực đối với doanh nghiệp mà bị “hành” thì khả năng tiến với xây dựng một xã hội minh bạch, công khai, công bằng ngày càng hiện thực, có thể thực hiện được trong tương lai gần! Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc cơ quan quản lý Nhà nước “than” khó, kêu cứu cấp trên liệu có hợp lý hay không? Họ đã làm hết chức trách nhiệm vụ hay chưa?
Câu trả lời có thể là họ chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình. Bởi vì, việc doanh nghiệp, công dân, tổ chức trong quá trình hoạt động kinh doanh hay giải quyết nhu cầu cuộc sống sẽ phát sinh các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Do đó, họ có quyền nêu ý kiến, kiến nghị, phản ánh với cơ quan chức năng liên quan. Đây là việc làm bình thường và các cơ quan này phải có trách nhiệm tiếp thu và trả lời, phản hồi cho công dân, tổ chức. Việc trả lời, phúc đáp doanh nghiệp không phải là muốn làm cũng được, không muốn cũng được hoặc thích hay không thích mà là trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện của cơ quan Nhà nước. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật luôn có sự sửa đổi, bổ sung, thay thế nên cùng một vấn đề nhưng từng thời điểm cụ thể lại khác nhau. Thời điểm này có thể không đúng, chưa phù hợp quy định pháp luật nhưng thời điểm sau đó thì lại đúng, phù hợp. Vì vậy, không thể nói doanh nghiệp, công dân kiến nghị trùng lặp là không trả lời, phúc đáp.
Cơ quan Nhà nước chỉ có quyền từ chối trả lời, thụ lý các kiến nghị khi các kiến nghị đó không thuộc thẩm quyền hoặc trái pháp luật, vu khống, xúc phạm… Trong các trường hợp đó, pháp luật đã có quy định tùy vào tính chất, hành vi vi phạm mà có hướng xử lý cụ thể như vu khống, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, tố cáo sai sự thật… nếu ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền thì đều bị xử lý.
Có thể khẳng định trong mọi trường hợp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, công dân thì cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền không được phép từ chối, dù có phải trả lời bao nhiêu lần đi chăng nữa. Mặt khác, liên quan đến kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức thì các cơ quan chức năng cần phải trả lời đầy đủ, trách nhiệm và đi đến cùng sự thật tránh tình trạng trả lời chung chung, hình thức, đối phó, kéo dài gây bức xúc cho tổ chức, doanh nghiệp.