(GD&TĐ) - Tuần vừa qua, tôi may mắn được tham gia đợt tập huấn tổ trưởng chuyên môn bậc THPT tại Đà Nẵng do Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Trung tuần tháng Bảy, thời tiết có phần nắng nóng nhưng không khí lớp học vẫn rất sôi động, hào hứng, điều mà những năm trước đây rất hiếm thấy.
Chuyên đề: “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học” là một chuyên đề thu hút được sự quan tâm của lớp học. Nhiều vấn đề đặt ra, thảo luận sôi nổi và rút ra những bài học quí báu. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề then chốt nhằm thay đổi thực trạng, tạo bước đột phá trong hoạt động dạy và học ở trường phổ thông. Nội dung chuyên đề vừa mang tính khoa học vừa mang tính nhân văn sâu sắc, bởi các lí do sau đây:
Một là, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là khi giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học như: Học sinh học như thế nào? HS gặp những khó khăn gì trong học tập? Nội dung và phương pháp dạy học có phù hợp, có gây hứng thú cho HS hay không? Kết quả học tập của HS có được cải thiện hay không?
Hai là, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học không tập trung vào việc đánh giá xếp loại giờ dạy của giáo viên mà nhằm khuyến khích giáo viên tìm ra nguyên nhân tại sao học sinh học chưa đạt kết quả như mong muốn? Cần có biện pháp gì để nâng cao chất lượng dạy học, tạo cơ hội cho HS tham gia vào quá trình học tập, giúp GV có khả năng điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp với đối tượng?
Với quan niệm như trên, chúng tôi thấy rằng, vấn đề đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học thực sự có rất nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, tạo cơ hội cho tất cả học sinh tham gia vào quá trình học tập; giáo viên quan tâm đến quá trình học tập của từng học sinh, đặc biệt những HS có khó khăn trong việc học.
Thứ hai, tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, kĩ năng sư phạm và phát huy khả năng sáng tạo trong việc vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy thông qua việc dự giờ, trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn lẫn nhau.
Thứ ba, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường phổ thông.
Thứ tư, là sự thể hiện niềm tin của nhà quản lí đối với trình độ nghiệp vụ của giáo viên. Đặc biệt, một vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó là đổi mới chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học làm thay đổi văn hóa ứng xử trong nhà trường, góp phần làm thay đổi các mối quan hệ rường cột: Giữa Ban giám hiệu với giáo viên, GV với GV, GV với HS, HS với nhân viên nhà trường, HS với HS. Tất cả những điều đó làm nên sự khác biệt giữa sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học với sinh hoạt chuyên môn truyền thống.
Đổi mới là quá trình lâu dài. Để đạt được mục đích, hiệu quả, yếu tố quan trọng đó là lòng tự trọng và cái tâm đối với nghề của mỗi giáo viên.
Uyên Lê