Dấu ấn Hà Nội
Do gắn với mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến nên Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần 2 có khá nhiều vở diễn mang tính anh hùng ca. Có thể kể đến như “Gươm thiêng trao trả hồ thần” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Ba ngày làm vua” (Nhà hát Chèo Quân đội), “Linh khí trời Nam” (CLB Sân khấu Đoàn Thanh niên Bộ VH-TT&DL).
Đáng chú ý là vở “Người Hà Nội” của Nhà hát Kịch Quân đội mới ra mắt, ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ. Vở diễn “Dâu bể một kiếp tằm” của Nhà hát Cải lương Hà Nội lại dành sự tôn trọng cho những người đã gìn giữ nghệ thuật ca trù trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Một số đơn vị mang đến các vở diễn dân gian cách tân như Nhà hát Chèo Việt Nam với “Trinh phụ hai chồng”, Hội Nghệ thuật nhân đạo TP Hà Nội với “Vua lợn”. Dù những tác phẩm “Giông tố” (tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng), “Quẫn” (tác giả Lộng Chương), “Lời nói dối cuối cùng” (tác giả Lưu Quang Vũ) đã nhiều lần xuất hiện trên sân khấu nhưng các bản dựng mới của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn mang màu sắc khác, khai thác những khía cạnh ngày hôm nay nên vẫn luôn có tính thời sự.
Có một số vở tâm lý xã hội hiện đại tham gia Liên hoan như “Khát vọng” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Sự sắp đặt của số phận” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Chuyện tình thời sinh viên” (Nhà hát Chèo Hà Nội) đề cập những chuyện gần gũi với đời sống người dân Thủ đô.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao 25 Huy chương Vàng, 25 Huy chương Bạc cho các cá nhân; 2 Huy chương Bạc cho hai vở diễn “Khát vọng” (Nhà hát Kịch Việt Nam) và “Quẫn” (Đại học Sân khấu Điện ảnh); 1 Huy chương Vàng thuộc về vở diễn “Dâu bể một kiếp tằm” (Nhà hát Cải lương Hà Nội).
Thắp lên ngọn lửa nghệ thuật
Có thể nói, với những dấu ấn Hà Nội đậm nét trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 2, các nghệ sĩ sân khấu đang có dịp thể hiện tình yêu và sự trân trọng của mình về một Hà Nội anh hùng, văn minh hiện đại, ngàn năm văn vật với bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng, đồng thời, cũng là dịp mang những món ăn tinh thần phong phú đến với công chúng Thủ đô.
Đây không chỉ là một sân chơi chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, mà còn là một dịp quý báu để giáo dục tinh thần, ý chí đấu tranh tới những thế hệ sau này đồng thời cho thấy mảnh đất địa linh nhân kiệt vẫn là niềm cảm hứng lớn, thôi thúc người làm nghệ thuật không ngừng sáng tạo, đúng như NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá: “Kỳ Liên hoan lần này sẽ thắp lên ngọn lửa trong mỗi người yêu Hà Nội”.
Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ: “Dâu bể một kiếp tằm” là tác phẩm sân khấu đầu tiên khắc họa đậm nét hình tượng người mẹ của ông tổ nghề hát bội Đào Duy Từ. Đã có nhiều tác phẩm sân khấu về danh nhân Đào Duy Từ nhưng về người mẹ của ông thì chưa. Thế nên khi dàn dựng “Dâu bể một kiếp tằm”, tôi rất hào hứng với nhân vật đặc biệt này từ những chi tiết có thể gọi là huyền sử nhưng đáng để cho người đời nay cùng suy ngẫm”.