Tín dụng cho vay người chấp hành xong án phạt tù

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nguồn vốn vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu thiết thực, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho những người đã không may lầm lỡ, vi phạm pháp luật cơ hội hoàn lương.

Nguồn vốn tín dụng cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ thực sự là một chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Chính phủ có ý nghĩa, thiết thực, mang tính nhân văn cao đã thực sự đi vào cuộc sống.

Là một trong những khách hàng vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, chị Nguyễn Thị Thành (40 tuổi, trú tổ dân phố Hà Lời, TT Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) kể về cuộc sống của gia đình mình với ánh mắt lấp lánh niềm vui, hy vọng về một ngày mai tươi sáng…

Chị cho biết, năm 2022 gia đình anh chị đang là Hộ nghèo vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, chồng đi tù, một mình chị vật lộn vất vả với nghề nông để nuôi 3 đứa con thơ dại.

Chị đã được Tổ TK&VV bình xét, UBND xã xác nhận vay vốn 100 triệu đồng chương trình hộ nghèo từ NHCSXH để đầu tư xây chuồng trại, mua 3 con bò giống sinh sản, sau một năm chăn nuôi đã đẻ được 3 con bê con, cuối năm chị đã bán bớt 2 con bê để trang trải cuộc sống và chờ đợi ngày chồng chị là anh Lê Văn Trung được mãn hạn tù trở về vào cuối năm 2023.

Chị nhớ lại, trước đây vợ chồng chị lập nghiệp khi tuổi đời còn trẻ, không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh. Sống tại địa phương với ngút ngàn rừng nguyên sinh nằm trong hệ sinh thái vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang được Nhà nước quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Để kiếm kế sinh nhai anh đã tham gia khai thác gỗ lậu trái phép và đã bị truy tố với bản án nghiêm minh dành cho “lâm tặc” và nhận mức án 4 năm tù giam.

Những lầm lỗi gây ra đã để lại đằng sau là gánh nặng mưu sinh cho người vợ trẻ và 3 đứa con thơ đang tuổi ăn học.

Cuộc đời có những lúc lầm lỡ, vi phạm pháp luật để rồi phải ăn năn, hối cải và hiểu hơn về giá trị của cuộc sống tự do. Tháng 11/2023 anh được tại ngoại. Từ ngày hoàn lương trở về quê hương, được gia đình và bà con lối xóm động viên và với sự “tiếp sức’’ khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ra đời đang được tuyên truyền và triển khai sâu rộng.

Sau những ngày bàn bạc phương án lập nghiệp, vợ chồng anh đã được UBND, Công an xã lập danh sách; hội Phụ nữ xã, Tổ TK&VV thôn Hà Lời họp bình xét cho vay vốn từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Với số vốn vay 100 triệu đồng ngay từ đầu năm 2024, gia đình anh đã đầu tư xây bể nuôi lươn thịt khoảng hơn 10 m2 với gần 3.000 con lươn. Vợ chồng anh tần tảo sớm hôm với mô hình sản xuất mới mẻ, động viên nhau vượt qua những ngày gian khó đã qua…

Cùng nhau đào giun đất làm thức ăn cho lươn, cùng dọn dẹp và soi đèn cho lươn ăn khi trời vào tối. Niềm vui lấp lánh trên khuôn mặt đôi vợ chồng trẻ khi đón đợi những mẻ lươn đầu tiên được thu hoạch và những dự định ấp ủ mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh…

Mô hình nuôi lươn của gia đình chị Thành anh Trung từ nguồn vốn tín dụng cho vay người chấp hành xong án phạt tù.
Mô hình nuôi lươn của gia đình chị Thành anh Trung từ nguồn vốn tín dụng cho vay người chấp hành xong án phạt tù.

Cũng từ nguồn vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg gia đình anh chị Nguyễn Thị Hằng tại tổ dân phố Cù Lạc 2, TT Phong Nha đã thay đổi cuộc sống sau khi chồng chị mãn hạn tù trở về với gia đình.

Với 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và vay mượn thêm từ người thân, bạn bè giúp sức, động viên anh chị đã mở cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất.

Ngắm nhìn cửa hàng nội thất khang trang, vợ chồng anh chị quấn quýt bên nhau cùng sẻ chia công việc với mong ước phát triển kinh tế thay đổi cuộc sống, làm lại cuộc đời…

Cửa hàng kinh doanh đồ gỗ của gia đình chị Hằng anh Sỹ từ nguồn vốn tín dụng cho vay người chấp hành xong án phạt tù.
Cửa hàng kinh doanh đồ gỗ của gia đình chị Hằng anh Sỹ từ nguồn vốn tín dụng cho vay người chấp hành xong án phạt tù.

Chia sẻ về nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Bố Trạch, anh Trung tâm sự: “Không có vốn muốn làm gì cũng khó, ngày tôi mãn hạn tù trở về, tôi và vợ tôi đều lo lắng khi tôi đã từng “có án”, rồi mọi người sẽ tránh xa không muốn giao tiếp, dính líu đến tiền bạc nên muốn vay mượn để làm kinh tế là rất khó khăn. Nhờ có nguồn vốn vay này đã kịp thời hỗ trợ cho những người lầm lỡ như tôi có cơ hội tạo lập cuộc sống mới”.

Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết, thời gian qua, thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Chính phủ NHCSXH huyện đã kịp thời phối hợp với Chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân trên địa bàn biết để nắm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Xác định đây là chủ trương lớn, mang tính nhân văn cao, nguồn vốn vay ưu đãi đáp ứng nhu cầu thiết thực, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho những người đã không may lầm lỡ, vi phạm pháp luật cơ hội hoàn lương có cuộc sống ổn định làm lại cuộc đời, sớm trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối kết hợp chặt chẽ với Chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa để chính sách đầy tính nhân văn thực sự đi vào cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.