Trong bối cảnh các trường công lập theo cơ chế tự chủ tài chính ngày càng nhiều, học phí tăng, sự ra đời các quỹ tài chính cho sinh viên vay với lãi suất 0% là vô cùng cần thiết.
Nhiều trường xây dựng quỹ tín dụng học tập lãi suất 0%
Trong nhiều nguồn lực tài chính hỗ trợ cho sinh viên khó khăn không thuộc đối tượng chính sách được miễn giảm, quỹ tín dụng vay vốn học tập với lãi suất 0% suốt 4 năm học đã và đang được đánh giá cao bởi tính bền vững.
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho biết: Sinh viên theo học tại trường nếu gặp khó khăn về tài chính đều được trường thống kê và lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp nhất. Ngoài chính sách vay vốn học tập từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, sinh viên nếu có nhu cầu sẽ được hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất 0% trong suốt 4 năm học để trang trải chi phí học tập.
“Theo thống kê nhanh từ phòng công tác sinh viên nhà trường, hàng năm số sinh viên làm thủ tục xin vay vốn hỗ trợ học tập với lãi suất ưu đãi 0% khá nhiều, khoảng 80 - 120 em. Với những hồ sơ được duyệt, gần như sinh viên đều được nguồn Quỹ tín dụng cho vay ở mức tối đa bằng học phí. Nguồn lực của chúng tôi không quá mạnh nhưng với khoảng 10 tỉ đồng/năm của quỹ, những sinh viên gặp khó khăn thật sự ngoài được xét học cấp học bổng (hỗ trợ từ 20 - 50%) còn được đảm bảo việc học tập một cách chắc chắn bằng nguồn tín dụng trên”, TS Lê Lâm cho hay.
Hiện, nguồn quỹ tín dụng cho sinh viên vay vốn học tập với lãi suất 0% được triển khai ở nhiều trường. ĐHQG TPHCM đã huy động được khoảng 30 tỉ đồng. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có quỹ tín dụng không lãi suất xấp xỉ 20 tỉ đồng.
Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng với 5 trường thành viên năm học 2021 - 2022 đã triển khai chính sách hỗ trợ cho phụ huynh và thí sinh bằng việc trả góp học phí với lãi suất 0% thông qua việc bảo lãnh của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Theo đại diện truyền thông của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, con số hỗ trợ dự kiến lên tới vài trăm sinh viên cho cả hệ thống.
Chia sẻ về hoạt động của chương trình “Sinh viên vay ưu đãi để học tập tại ĐHQG TPHCM” sau gần 1 năm triển khai, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Giám đốc Ban điều hành Quỹ Phát triển ĐHQG TPHCM (VNU-F) - thông tin: Tính đến hết học kỳ I năm học 2020 - 2021 có 85 sinh viên thuộc các đơn vị thành viên ĐHQG TPHCM được VNU-F duyệt vay tổng cộng gần 4 tỉ đồng trong chương trình.
“Năm học 2021 - 2022, ĐHQG TPHCM tiếp tục triển khai chương trình trên và sinh viên đã được vay sẽ tiếp tục được xét vay ở học kỳ II. Đối tượng được xét vay mà chương trình triển khai là sinh viên các đơn vị thuộc ĐHQG TPHCM, có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với sinh viên năm nhất phải có giấy xác nhận nhập học của cơ sở đào tạo. Với sinh viên năm thứ 2 trở lên phải có kết quả học tập đạt trung bình khá (tương đương 6,5/10) trở lên và đạt điểm đánh giá rèn luyện 70/100 trở lên. Sinh viên được vay số tiền tối đa bằng với học phí một học kỳ nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ”, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ cho biết.
Lồng ghép nhiều chính sách tài chính để hỗ trợ sinh viên
Với mức học phí bình quân của các trường ĐH, CĐ dao động từ 17 - 25 triệu đồng/năm (hệ đại trà) sẽ có không ít sinh viên xuất thân từ nông thôn, với nguồn thu chính của gia đình từ làm nông, khó kham nổi chi phí học tập.
Hiểu và chia sẻ cho những khó khăn ấy với một bộ phận không nhỏ sinh viên, Nghị định 81/2021 của Chính phủ có các quy định gần như bao phủ trọn vẹn mọi đối tượng trong công tác miễn giảm học phí, nhất là các trường hợp cần được hỗ trợ đặc biệt.
Về mặt chính sách tín dụng của Nhà nước, mức hỗ trợ vay vốn học tập cho sinh viên từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đang là 2,5 triệu đồng/tháng và dự kiến sẽ tăng lên 4 triệu đồng/tháng. Dù vậy, mức cho vay này cũng chưa đủ trang trải hoàn toàn chi phí học tập cho sinh viên khó khăn. Nhưng bù lại, chính sách hỗ trợ của các trường dành cho sinh viên ngày càng tốt.
Không chỉ có nguồn học bổng khủng, nhiều trường như ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH SPKT TPHCM, ĐH Công nghệ TPHCM còn kết nối với doanh nghiệp, cựu sinh viên để bảo trợ sinh viên khó khăn nhưng học giỏi, mức bảo trợ 100% học phí trong suốt quá trình học.
Theo ThS Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ngoài các chính sách học bổng và miễn giảm học phí trường đang triển khai thì số hồ sơ sinh viên khó khăn được hỗ trợ vay lãi suất 0% từ ngân hàng chính sách địa phương khá nhiều. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tập tốt, hay thuộc gia đình chính sách, gia đình có công… đều được xét cấp vay.
“Từ năm 2018 - 2020, nhà trường có hơn 4.391 sinh viên làm giấy xác nhận vay vốn. Trong đó có khoảng 2.500 trường hợp được vay từ ngân hàng chính sách địa phương. Điều này cho thấy, nhu cầu của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cần vay nhiều nhưng chưa được đáp ứng hết.
Vì vậy, ngoài kênh tín dụng trên trường đã và đang triển khai song hành nhiều nguồn lực tín dụng, hỗ trợ học bổng sinh viên từ đối tác doanh nghiệp, từ cựu sinh viên và đối tác của nhà trường. Riêng nguồn lực học bổng hỗ trợ đợt 1 cho tân sinh viên tại lễ khai giảng vừa qua trường tiếp nhận là gần 1,8 tỉ đồng”, ThS Cường cho biết.
Em Nguyễn Đào Thanh Tâm, sinh viên năm cuối Khoa Kế toán – Tài chính may mắn tiếp cận được gói vay học phí lãi suất 0% qua website của Trường Đại học Văn Hiến vào đầu năm 2 khi em rơi vào tình thế khó khăn nhất.
“Ngay lúc dường như bế tắc nhất, em cảm thấy vỡ oà khi biết được gói vay lãi suất 0% của nhà trường, đặc biệt có thể trả sau khi có đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn như em và hơn em, trường đều cho vay thế chấp chỉ bằng niềm tin. Niềm tin là nhà trường dành cho chúng em, sau khi tốt nghiệp sẽ quay lại hoàn trả bằng chính thành quả việc làm. Đây thật sự là điều may mắn và hạnh phúc”, Thanh Tâm chia sẻ.