Đến tham dự Hội thảo có các Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, PGS.TS Trần Diệp Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM; Ông Trần Đức Cảnh – Cố vấn HĐTS Đại học Harvard; Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng – Đại học Bang Arizona tại Việt Nam; Trưởng Ban tổ chức Hội thảo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, lãnh đạo các đơn vị phối hợp gồm có PGS.TS Vũ Hải Quân- Phó giám đốc ĐHQG TPHCM, GS Nguyễn Đông Phong- Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cùng gần 100 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý giáo dục các trường ĐH trên cả nước tham dự.
Hội thảo nhằm chỉ rõ những hạn chế của nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cũng như việc “hòa mình” vào cuộc CMCN 4.0 của lao động chất lượng cao khi Việt Nam tham gia trao đổi nhân lực với thị trường lao động trong và ngoài khu vực. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp nhằm phát triển hơn nữa nhu cầu nhân lực đáp ứng cuộc CMCN 4.0, cũng như sự đáp ứng của hệ thống GDĐH Việt Nam (công tác đào tạo) trước thách thức nhân lực của thời đại.
Quang cảnh Hội thảo Quốc gia |
Tại Hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Tiến sĩ Bùi Trung Hải cho biết: Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 nhiều ngành mới sẽ ra đời trên sự sáng tạo tri thức mới, với đòi hỏi chuyên môn ngày càng cao. Vì vậy, chuyên môn và kỹ năng của nhân lực cần phải được nâng lên dựa trên sự sáng tạo và đổi mới không ngừng.
“Tương lai nhu cầu lao động nhiều lĩnh vực mới sẽ gia tăng khi một số ngành mới phát sinh ngày càng nhiều do đó để khoảng cách giữa kỹ năng và việc làm trong lực lượng lao động tương lai không bị kéo ra quá rộng, Tiến sĩ Hải cho rằng; ngành giáo dục cần nghiên cứu, tái cấu trúc hệ thống giáo dục, động lực và khuyến khích việc học tập suốt đời, khuyến khích những sự cộng tác giữa các ngành, nghề mới gắn với sự đa dạng kỹ năng”- TS Hải nói.
Chung một góc nhìn phải thay đổi nhiều trong hệ thống và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực tại các trường, nhiều đại biểu cho rằng; Nhu cầu về nhân lực cho phát triển trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ từ chính các trường đại học. Bởi thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam tuy dồi dào về số lượng xong nhiều hạn chế về chất lượng, đặc biệt là nhóm ngành nhân lực chất lượng cao.