(GD&TĐ) - Thời gian vừa qua, đã có hàng loạt ý kiến, kiến nghị đầy tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và đông đảo tầng lớp nhân dân với mong muốn xây dựng hệ thống các trường đại học đủ mạnh. Tuy nhiên, theo tôi, trước tiên, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể thực hiện ngay một số giải pháp ít phức tạp, tốn kém nhưng rất hiệu quả, đó là:
Trên giảng đường |
Một là, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Có ba yếu tố để đảm bảo cho nền giáo dục đại học nước ta phát triển vững chắc, đó là: sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như cơ chế quản lý, điều hành cấp vĩ mô; đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học... trong đó giảng viên là lực lượng quyết định đến chất lượng giáo dục. Có thể nói, hầu hết các trường đại học, cao đẳng hiện nay đang tồn tại một thực trạng chung là tỉ lệ giảng viên/ sinh viên không đảm bảo theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lực lượng kế cận mỏng, nhiều sinh viên có trình độ và năng lực sư phạm xuất sắc sau khi tốt nghiệp có tâm lý không muốn ở lại trường công tác; trong khi đó những giảng viên có học hàm, học vị cao và có uy tín trong giới khoa học ngày càng ít dần. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học thiếu và lạc hậu; đồng lương thấp không đủ hấp dẫn để giữ chân họ. Hiện nay, thu nhập bình quân của cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng chưa tương xứng, khoảng 3 đến 6 triệu một tháng, thậm chí có trường cao đẳng dưới 3 triệu đồng.
Như vậy, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học và cao đẳng trước hết phải làm cho họ thấy được vinh dự và tự hào khi được đứng trên bục giảng, là người góp phần trực tiếp ươm mầm xanh cho đất nước. Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng phải có chính sách tôn vinh, đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ nhà giáo, phải làm cho giảng viên hoàn toàn sống được bằng đồng lương. Khi tuyển chọn những người làm công tác giảng dạy, phải coi trọng đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn. Siết chặt khâu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để bảo đảm chất lượng, bởi đây là lực lượng giảng dạy có trình độ cao, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học và cao đẳng.
Hai là, hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công khai rộng rãi năng lực và chất lượng đào tạo của các trường đại học.
Ở các nền giáo dục phát triển trên thế giới thì các trường đại học, cao đẳng coi việc công khai năng lực và chất lượng đào tạo không chỉ là công việc bắt buộc, mà đó là cơ hội để quảng bá thương hiệu nhằm thu hút sinh viên và nguồn lực đầu tư từ xã hội. Như vậy, công khai, minh bạch vừa là động lực, vừa là áp lực để phát triển. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, rất nhiều trường đại học, cao đẳng thường tìm cách né tránh vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa có quy định chặt chẽ, cụ thể bắt buộc các trường phải công khai, minh bạch. Mặt khác, cũng có thể là do chất lượng đào tạo của các trường còn nhiều yếu kém, nên nếu công khai sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Điều đó sẽ dẫn đến một hệ lụy tất yếu là cả Nhà nước và xã hội không nắm được chính xác chất lượng đào tạo; là mầm mống cho bệnh thành tích phát triển; làm triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và động lực phấn đấu của các trường đại học. Do đó, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có qui chế cụ thể bắt buộc các trường đại học, cao đẳng phải công khai năng lực tài chính; khả năng đào tạo, chuyên ngành đào tạo; chất lượng đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất; tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm; những yếu kém, bất cập cần khắc phục... trên cơ sở đó công bố đánh giá chất lượng, uy tín của các trường theo thứ tự thấp dần.
Để làm được điều này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các mặt hoạt động của các trường; xây dựng cơ quan kiểm tra, kiểm định chất lượng đủ mạnh, làm việc công minh; khuyến khích trách nhiệm giám sát của báo chí và toàn xã hội; kiên quyết không cho thành lập mới các trường đại học, cao đẳng, các chuyên ngành không đủ tiêu chuẩn cho phép; giải thể các trường và xử lý nghiêm trách nhiệm các hiệu trưởng, các chủ tịch hội đồng quản trị để tình trạng yếu kém kéo dài.
SV quân đội trong giờ học võ thuật |
Ba là, khuyến khích các trường nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Suốt mấy chục năm chiến tranh trước đây, trong điều kiện vô cùng khó khăn, Nhà nước đầu tư kinh phí cho giáo dục gần như không đáng kể, nhưng giáo dục đại học nước ta vẫn phát triển mạnh mẽ, đào tạo được hàng vạn sinh viên, cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên” cho cách mạng; rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia nổi tiếng thế giới. Đó là vì chúng ta đã giáo dục cho con em mình lòng tự hào dân tộc, niềm vinh quang và lòng say mê học tập, học tập chỉ có một mục đích duy nhất là phụng sự tổ quốc và phụng sự nhân dân; biết khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo”... Nhờ thấm nhuần tư tưởng ấy đã thôi thúc cả thầy và trò tự giác học tập, chủ động vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Ngày nay, chúng ta gần như chưa coi trọng đúng mức hoặc buông lỏng công tác tuyên truyền. Nhiều trường đại học có tư tưởng chạy theo dư luận; trông chờ vào sự đầu tư, giúp đỡ của trên, chưa biết chú trọng động viên cán bộ, giảng viên, sinh viên chủ động khắc phục khó khăn.
Có nhiều ý kiến cho rằng mức đầu tư của Nhà nước cho giáo dục là quá thấp, là không chính xác. Nếu tính theo GDP thì tổng ngân sách chi cho giáo dục ở nước ta là rất lớn, khoảng 9,2% GDP (tương đương với 20% ngân sách giành cho giáo dục) mỗi năm, trong khi đó Mỹ chi khoảng 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật chỉ 4,7%. Biểu hiện của sự lãng phí, kém hiệu quả ở chỗ sản phẩm giáo dục chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư và sự quan tâm của toàn xã hội. Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước giành cho giáo dục, trước hết các trường đại học phải thắt chặt công tác quản lí tài chính. Tập trung đầu tư vào những khâu có khả năng tạo ra sự đột phá nhằm nâng cao chất lượng dạy học, như: trang thiết bị dạy học và nghiên cứu khoa học; đào tạo giảng viên; xây dựng nhà ở cho sinh viên... Bên cạnh đó, cần ổn định chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học; tinh gọn bộ máy điều hành, quản lý giáo dục ở các trường đại học; giảm bớt những cuộc hội thảo, hội họp không cần thiết, đi tham quan nước ngoài không cần thiết...
Nói tóm lại, đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục đại học là vấn đề cấp bách hiện nay. Nhưng đây là việc hệ trọng, phức tạp và lâu dài, trước tiên chúng ta cần phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn của chính bản thân các trường đại học.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Đức Hinh
(Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2)