Cả nước có hơn 20.000 HTX đang hoạt động
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu quy tụ các thành viên Liên minh HTX Việt Nam, các đối tác trong nước và quốc tế để cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp hỗ trợ HTX tiếp cận các dòng vốn đầu tư, tín dụng ưu đãi, cơ hội hợp tác thương mại, công nghệ.
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, các HTX chia sẻ kinh nghiệm của các mô hình kinh tế hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, kết nối các nguồn lực nhằm tìm ra mô hình phát triển bền vững cho kinh tế hợp tác, HTX ở Việt Nam.
Ra đời năm 1895, trải qua hơn 120 năm, mô hình HTX không ngừng đổi mới, phát triển và khẳng định rõ phát triển HTX là xu hướng tất yếu của thời đại. Với hơn 1 tỷ thành viên trên toàn thế giới, tạo ra doanh số hơn 3.000 tỷ đô la mỗi năm, tạo ra 250 triệu việc làm ổn định, phong trào HTX ngày càng chứng tỏ sức mạnh và tiếng nói của mình.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, doanh số các HTX là 266 tỷ đô la; ngân hàng và tài chính 236 tỷ đô la; bảo hiểm 403 tỷ đô la; bán sỉ và lẻ 309 tỷ đô la. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế HTX đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 20.000 HTX đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Kinh tế hợp tác, HTX đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.
Xác định kinh tế hợp tác, HTX là một loại hình kinh tế quan trọng, Liên minh HTX Việt Nam đã thường xuyên tổ chức thăm quan, khảo sát, trao đổi, học tập từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới cho các HTX thành viên. Những mô hình mới đã mang lại thành công cho hàng nghìn HTX, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn thành viên trên cả nước.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng không ít HTX của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nội tại, đặc biệt là trong giai đoạn mới, khi phong trào khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp mà Chính phủ phát động.
Trọng tâm vẫn là nguồn vốn phát triển
Tại Hội thảo, các diễn giả Việt Nam và nước ngoài đã chia sẻ các mô hình HTX thành công tại Việt Nam như Liên hiệp Các HTX Thương mại TPHCM (SaiGonCo.op), HTX Miến Việt Cường, HTX Y tế An Phước…; mô hình HTX nông nghiệp theo chuỗi giá trị Groupe Limagrain (Pháp)… Một số diễn giả quốc tế cũng trình bày xu hướng phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên thế giới, các xu hướng quan trọng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu cho các HTX Việt Nam...
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đến nay HTX vẫn tỏ ra là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thông qua HTX, các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao. Tuy nhiên, trong tình hình mới, mô hình HTX cần phải đặt trong chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu.
Một chủ đề quan trọng khác cũng được đánh giá cao tại Hội thảo là giải pháp tìm nguồn vốn phát triển kinh tế hợp tác, HTX - một nhu cầu bức thiết nhưng luôn gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận.
Thống kê từ liên minh HTX cho thấy, mới chỉ khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, còn những HTX muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn. Lý do khiến các HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay là do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng.
Bên cạnh việc tìm giải pháp căn cơ, để tháo gỡ khó khăn này, trong khuôn khổ hội thảo cũng sẽ diễn ra lễ công bố gói tín dụng ưu đãi mua vật tư nông nghiệp dành cho các HTX, hộ nông dân trên cả nước, nhằm tháo gỡ khó khăn tồn tại nhiều năm qua trong vấn đề thu hút nguồn vốn phát triển HTX.