Tìm hướng đi cho dạy nghề phổ thông

GD&TĐ - Nhiều vấn đề liên quan đến dạy nghề phổ thông đã được đào sâu thảo luận tại Hội thảo “Thực tiễn dạy học nghề phổ thông theo tiếp cận sư phạm tương tác ở các trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Hội thảo “Thực tiễn dạy học nghề phổ thông theo tiếp cận sư phạm tương tác ở các trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Hội thảo “Thực tiễn dạy học nghề phổ thông theo tiếp cận sư phạm tương tác ở các trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Hội thảo được tổ chức sáng nay (25/7) tại Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5 (Hà Nội), phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố: "Dạy học nghề phổ thông theo tiếp cận sư phạm tương tác ở các Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Thạc sĩ Trương Thị Thủy - giáo viên Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5 - là chủ nhiệm đề tài.

Mục đích của hội thảo là đánh giá tình hình dạy học nghề phổ thông nhìn theo góc độ sư phạm tương tác và từ đó đề xuất các biện pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng dạy học nghề phổ thông của trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp.

Chưa dạy cái học sinh cần

Một trong những nội dung được bàn luận nhiều tại hội thảo này là thực trạng dạy nghề phổ thông hiện nay.

Ông Nguyễn Từ Liêm – Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5 - cho biết: Hiện nay, ở các trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ yếu tổ chức dạy những gì mình có mà chưa dạy những gì học sinh cần.

Giáo viên thường tập trung vào nội dung của môn học nhiều hơn là vào kỹ năng học của học sinh, việc học thường yêu cầu học sinh tái hiện thông tin do giáo viên cung cấp.

Trong dạy học, giáo viên ít quan tâm đến đặc điểm và nhu cầu của học sinh; chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường học tập cho học sinh, dạy học còn theo lối truyền nghề, đa số các tiết học đều dạy theo phương pháp diễn giảng truyền thống.

Một số giáo viên đã sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại nhưng mới dừng lại ở chỗ bớt đi thao tác viết bảng cho giáo viên chưa khai thác các kênh thông tin,…

“Với cách dạy học như vậy, học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động, chưa tích cực,…và không đáp ứng yêu cầu của hoạt động dạy học nghề phổ thông cho học sinh là rèn luyện tư duy kỹ thuật, kỹ năng thao tác thực hành, lao động nghề nghiệp…” - Ông Nguyễn Từ Liêm nhận định.

Cũng phân tích hạn chế của dạy nghề phổ thông hiện nay, PGS.TS Phạm Văn Sơn – giám đốc Trung tâm Cung ứng và đào tạo nhân lực (Bộ GD&ĐT) – cho rằng: 

Nội dung chương trình một số nghề phổ thông đã ban hành quá lâu, không còn phù hợp với thực tế đổi mới giáo dục trong nền kinh tế thị trường. Đội ngũ giáo viên nghề thiếu nhiều, không đồng bộ, không được bồi dưỡng thường xuyên; phương pháp dạy học chậm đổi mới, chưa có tính tương tác sư phạm; cơ sở, vật chất thiết bị dạy nghề vừa thiếu, vừa lạc hậu và không đồng bộ…

“Hiện nay, chúng ta có khoảng gần 300 trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp và hàng năm các trung tâm này đã tổ chức dạy và học cho hơn 1 triệu học sinh. Nhiều học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông nhưng sau khi ra trường vẫn không ý thức trong việc chọn nghề…” - PGS.TS Phạm Văn Sơn thông tin.

Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động thực tiễn

Nói về tầm quan trọng của dạy nghề phổ thông trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi ngành Giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tiến sĩ Vũ Thị Sơn - Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐHSP Hà Nội) đã dẫn nội dung trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương:

“Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh”. Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực và định hướng nghề nghiệp của người học được xem là tư tưởng then chốt.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Thị Sơn cho rằng, chú trọng tới yêu cầu phát triển năng lực hành động, những phẩm chất cốt lõi và định hướng nghề cho học sinh đòi hỏi hoạt động giáo dục nghề phổ thông cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động thực tiễn của người làm chính sách đến các trường, giáo viên để tổ chức và cung cấp những điều kiện cần thiết cho học tập, thực hành và trải nghiệm thực tế của học sinh.

Các hình thức “học tập cá nhân”, “học hợp tác”, học trong lớp, học ngoài lớp…, được tổ chức đan xen để học sinh được học tập, rèn luyện kĩ năng học tập và thái độ tích cực đối với việc học tập trong các điều kiện và môi trường khác nhau.

Ông Lê Đức Dũng, đến từ Trung tâm KTTH-HN Phúc Thọ khi đưa ra giải pháp thì nhấn mạnh việc tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, và gia đình về vai trò, ý nghĩa, nội dung dạy nghề phổ thông.

Ngoài ra, cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy nghề phổ thông; củng cố cơ cấu tổ chức hệ thống của Trung tâm; tăng cường cơ sở vật chất thiết bị phục vụ công tác dạy nghề phổ thông; tăng cường công tác kiểm tra với hoạt động dạy nghề phổ thông; thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục; thực hiện hợp tác giữa nhà trường, địa phương, gia đình học sinh, các cơ sở sản xuất…

Còn theo ông Nghiêm Văn Xuân (Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 3), biện pháp đầu tiên phải là bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp và kiến thức, kĩ năng về hướng nghiệp để giúp giáo viên dạy nghề phổ thông vừa được bổ sung những kiến thức, kĩ năng chuyên sâu về nghề, vừa được trang bị những kiến thức, kĩ năng hướng nghiệp để tiến hành giáo dục huớng nghiệp qua dạy nghề phổ thông.

Cùng với nhân tố giáo viên, cần tổ chức cho học sinh được xác định sở thích nghề nghiệp, khả năng của bản thân trước khi tham gia học nghề phổ thông. Tăng cường liên kết với các cơ sở sản xuất, các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong việc tổ chức dạy nghề phổ thông.

“Chúng ta cũng cần lưu ý đến đa dạng hóa các nghề phổ thông nhằm tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nghề phổ thông theo học phù hợp với nguyện vọng, sở thích, khả năng của bản thân.

Việc tư vấn cho học sinh chọn nghề phổ thông để tham gia học chỉ thực sự có hiệu quả khi số lượng nghề phổ thông được tổ chức dạy ở mỗi cơ sở giáo dục đủ để đáp ứng nhu cầu học nghề của học sinh.

Đây là điều khó thực hiện nếu như việc tổ chức dạy và học nghề chỉ bó gọn trong nhà trường. Nhưng nếu mỗi cơ sở giáo dục biết tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, Hội cha mẹ học sinh, các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống thì có nhiều khả năng sẽ thực hiện được” - ông Nghiêm Văn Xuân nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ