Tìm hướng đi cho đào tạo nghề

Tìm hướng đi cho đào tạo nghề

(GD&TĐ)-Nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực qua đào tạo nghề là một trong ba trụ cột tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam. Trong thời gian qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, dạy nghề Việt Nam đã được Nhà nước và xã hội quan tâm cả về đầu tư tài chính và các nguồn lực khác. Tuy nhiên, những tồn tại của hệ thống dạy nghề Việt Nam hiện nay, trong đó có chất lượng đào tạo cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng còn là một bài toán nan giải.

Học sinh lớp sửa chữa ô tô trường TCN kỹ thuật công nghệ Hùng Vương
Học sinh lớp sửa chữa ô tô trường TCN kỹ thuật công nghệ Hùng Vương

Bài 1: Những con số biết nói

Báo cáo dạy nghề Việt Nam cập nhật đến cuối năm 2011 được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề đã thể hiện được “bức tranh” tổng thể về hệ thống dạy nghề Việt Nam hiện nay. Trong đó, thực trạng mạng lưới cơ sở dạy nghề, giáo viên, tình trạng tuyển sinh và việc làm học sinh sau tốt nghiệp, cơ sở vật chất thiết bị...của các cơ sở dạy nghề đã được thể hiện khá rõ ràng, đầy đủ.

Thành thị thừa trường, nông thôn vắng bóng

Mặc dù hiện nay mạng lưới các cơ sở dạy nghề đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc (tính đến cuối năm 2011 cả nước có 1293 cơ sở dạy nghề), song việc phân bố còn nhiều bất cập. Nhiều nhất tập trung ở đồng bằng sông Hồng với 27,3% số cơ sở trên cả nước; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ với 20,4%; thấp nhất là vùng Tây Nguyên: 5,3%.

Đồng bằng sông Hồng cũng là vùng có số lượng trường CĐ nghề cao nhất trong cả nước với 52 trường, trong khi cả vùng Tây Nguyên hiện mới chỉ có 3 trường CĐ nghề. Riêng thủ đô Hà Nội, tốc độ tăng số lượng trường CĐ nghề nhanh nhất, từ 8 trường năm 2007 lên tới 22 trường vào năm 2011

Các trường, trung tâm dạy nghề chủ yếu tập trung ở các thành thị, các khu công nghiệp tập trung, các vùng kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, vùng nông thôn, số trường, trung tâm dạy nghề rất ít ỏi. Đến nay còn 163 huyện chưa có trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các vùng này được học nghề, đồng thời khó triển khai các chủ trương học tập suốt đời.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn

Trang thiết bị là một trong những yếu tố rất quan trọng để bảo đảm chất lượng dạy nghề, tuy nhiên, hiện nay đây lại là vấn đề còn thiếu đối với hầu hết các cơ sở dạy nghề. Nhiều nghề thiết bị rất lạc hậu. Tại các trường trung cấp nghề, 60% là thiết bị cũ. Rất ít trường cao đẳng nghề đáp ứng được 100% quy mô đào tạo, đa phần mới đáp ứng được trên 50% quy mô đào tạo theo tiêu chuẩn, quy định ban hành. Số lượng thiết bị phục vụ thực hành của các trường cũng hầu hết không đáp ứng được nhu cầu thực hành của sinh viên và theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, phần lớn các trường chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, giảng đường theo quy định. Một số trường chưa có cơ sở riêng phải thuê giảng đường, phòng làm việc. Thư viện của các trường nhỏ, chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu của người học, số lượng đầu sách nghèo nàn. Xưởng thực tập, thực hành cũng chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, mặt bằng nhà xưởng nhỏ, không đủ diện tích tiêu chuẩn lắp đặt thiết bị và bố trí đủ vị trí thực hành cho sinh viên. Đặc biệt, ký túc xá các trường hiện trung bình mới đủ chỗ cho khoảng 15% học viên hệ chính quy tập trung. Nhiều trường không có diện tích cho các hoạt động văn hóa, thể thao...

Nhiều nghề xã hội cần không trường CĐN nào đào tạo

Năm 2011, có tổng cộng 159 nghề được 136 trường CĐ nghề đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong tổng số này, nhóm nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí có số lượng đào tạo lớn nhất, chủ yếu tập trung vào các nghề hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy. Tiếp đến là nhóm nghề công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (nghề điện dân dụng, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp) và nhóm nghề công nghệ thông tin (lập trình máy tính, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, quản trị mạng..). Riêng nghề kế toán doanh nghiệp có số lượng trường cao đẳng nghề tổ chức đào tạo nhiều nhất với 76 trường đào tạo trình độ CĐ nghề và 57 trường đào tạo trình độ trung cấp nghề, số lượng đào tạo nghề này cũng lớn nhất.

Tuy nhiên, có đến 16 nghề thuộc nhóm nông nghiệp và một số nghề có nhu cầu lao động cao thuộc nhóm nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí (như nghề nguội chế tạo, nghề nguội lắp ráp cơ khí, rèn, dập và một số nghề thuộc nhóm nghề công nghệ dầu khí và khai thác... không có trường CĐ nghề nào tổ chức đào tạo trong năm 2011. Gần 50 nghề chỉ có một trường CĐ nghề tổ chức đào tạo, chủ yếu ở trình độ TC nghề với số lượng tuyển sinh rất hạn chế.

Các ngành nghề sản xuất và phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản cũng chưa được chú trọng đào tạo, trong khi những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu thuộc các lĩnh vực này...

Theo thống kê năm 2011, các nghề thuộc nhóm nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí có tổng số tuyển sinh lớn nhất với hơn 23.000 sinh viên; tiếp theo là nhóm nghề công nghệ kỹ thuật điện, điện tử  và viễn thông: hơn 18.000 sinh viên; nhóm nghề CNTT: hơn 9000 sinh viên. Nghề có số lượng đào tạo lớn nhất là kế toán doanh nghiệp với hơn 16.000 sinh viên.

40% tìm được việc làm do quan hệ cá nhân

Trong khuôn khổ chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, tổ chức GIZ và Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề đã phối hợp triển khai nghiên cứu tình trạng việc làm của học viên tốt nghiệp sau 6 tháng. Theo đó, năm 2011, trong số 5897 học viên tốt nghiệp có 3876 có việc làm, đạt tỷ lệ 65,73%. Số học sinh tốt nghiệp không đi làm chiếm 34,72%, trong đó, 15,52% đang tiếp tục đi học, chủ yếu là học liên thông lên cấp trình độ cao hơn ngay tại trường mình; 14,1% chưa tìm được việc làm, số học viên không đi làm nhưng không cung cấp thông tin cụ thể là 4,65%.

Đặc biệt, khi tìm hiểu về cách thức tìm việc thì 40% học viên trong số trên cho biết có được việc làm qua quan hệ cá nhân. Số học viên được nhà trường giới thiệu và tìm được việc làm cũng có tỷ lệ khá cao: 34%. Điểm đáng chú ý là số học viên tìm được việc qua quảng cáo trên internet khá cao: 14%. Không có nhiều học viên lựa chọn tìm việc qua các cơ quan dịch vụ việc làm hay sàn giao dịch việc làm. Cũng theo kết quả khảo sát, tỷ lệ có việc làm phù hơn với nghề được đào tạo tính chung cho tất cả các nghề có số học viên được khảo sát là gần 89%.

Báo cáo từ 101 trường nghề, mức lương khởi điểm bình quân cho học viên sau khi tốt nghiệp đạt từ khoảng 3 đến 3, 5 triệu đồng/tháng. Mức lương có sự chênh lệch ở các nghề đào tạo, cụ thể, nhóm nghề kỹ thuật có lương bình quân cao hơn, đạt khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Các nghề dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, lương bình quân thấp, chỉ ở mức 2,2 triệu đồng/tháng.

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.