Tìm hiểu ngành Cơ - điện

Tìm hiểu ngành Cơ - điện

(GD&TĐ)-Một số năm gần đây, do nhiều yếu tố khách quan, do đặc thù nghề nghiệp mà số học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông ít chọn ngành kỹ thuật để theo học, trong đó có ngành cơ, điện - TS. Lê Minh Lư – trưởng Khoa Cơ Điện - Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội trao đổi với PV báo GD&TĐ điện tử.

PV. Tiến sĩ nhận định thế nào về hiện tượng ngày càng ít sinh viên theo học ngành Cơ - Điện?

TS. Lê Minh Lư: Một số năm gần đây, do nhiều yếu tố khách quan, do đặc thù nghề nghiệp mà số học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông ít chọn ngành kỹ thuật để theo học, trong đó có ngành cơ, điện. Khoa Cơ – Điện Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng không tránh khỏi tình trạng này.

Đó cũng là quy luật tất yếu khi có quá nhiều trường đào tạo, có nhiều cơ hội để lựa chọn. Trong khi đó việc theo học khối ngành cơ, điện vừa nặng về kiến thức học, thực hành vừa có thu nhập không thật cao, điều kiện làm việc vất vả. Đặc biệt là lĩnh vực cơ, điện nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo tôi để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nói riêng không thể không đầu tư và ưu tiên đào tạo các cán bộ kỹ thuật cơ, điện. Hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp, cùng với sự năng động của các cơ sở đào tạo sẽ thu hút được lực lượng sinh viên đông đảo hơn, có chất lượng hơn trong tương lai.

PV. Học ngành cơ - điện,  sinh viên được trang bị kiến thức gì và có thể làm những công việc gì sau khi ra trường?

TS.Lê Minh Lư: Sinh viên được trang bị đầy đủ các kiến thức giáo dục đại cương, cơ sở, ngành theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Tại ĐH Nông nghiệp Hà Nội, các kiến thức chuyên ngành được chú trọng cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên được học tập lý thuyết trên giảng đường, thực hành trong các phòng thí nghiệm, rèn nghề và đi kiến tập, tham quan, thực tập thực tế tại các cơ sở liên kết đào tạo, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và thực hiện bộ quy định chuẩn đầu ra của sinh viên và học viên cao học sau khi tốt nghiệp. Theo đó các sinh viên và học viên sau khi tốt nghiệp có đủ khối lượng kiến thức lý thuyết và thực hành đủ để có thể làm việc tốt ở các cơ quan Nhà nước, các Trường, Viện nghiên cứu, các nhà máy, xí nghiệp theo chuyên môn được đào tạo. Sinh viên có điều kiện phát huy hết năng lực học tập và sáng tạo cũng như được tham gia các hoạt động phong trào như tham gia các đợt thi Olympic toán học, tin học, tiếng Anh, cơ học toàn quốc và đặc biệt là sân chơi Robocom hết sức sôi động và bổ ích. Thực tế cho thấy sinh viên của Khoa đã và đang làm việc tốt tại các cơ quan nói trên. Nhiều kỹ sư đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, cấp tỉnh, sở, ban ngành hoặc lãnh đạo các nhà máy, doanh nghiệp...
 
Sinh viên Khoa Cơ – Điện sau khi ra trường hầu hết đều có việc làm và ổn định, nhiều sinh viên chỉ sau vài ba năm đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý chủ chốt trong các cơ quan, doanh nghiệp.

PV. Hiện trong nước có những trường nào đào tạo ngành này thưa tiến sỹ?


TS.Lê Minh Lư: Sau khi đất nước thống nhất, Bộ GD&ĐT có chủ trương phân vùng đào tạo cho các trường đại học nông nghiệp trong cả nước, tuy nhiên Khoa Cơ – Điện, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội vẫn là chiếc nôi và là cơ sở đào tạo kỹ sư cơ và điện nông nghiệp hàng đầu cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn của nước nhà và là nguồn cán bộ cho các cơ sở đào tạo trong cả nước.

PV. Theo tiến sỹ, triển vọng việc làm của sinh viên cơ, điện trong những năm tới như thế nào?

TS.Lê Minh Lư: Sinh viên Khoa Cơ – Điện hiện nay hầu hết đều có việc làm ổn định sau khi ra trường. Thực tế chứng tỏ các kỹ sư được đào tạo cơ bản có thể làm việc tốt không những trong các cơ quan, doanh nghiệp của ngành mà còn làm việc tốt trong các cơ quan và doanh nghiệp của các ngành khác. Thí dụ các kỹ sư cơ khí rất được tín nhiệm trong ngành dầu khí, trong các doanh nghiệp ô tô nước ngoài như Nisan, Toyota, Ford...

PV. Một vài lưu ý của tiến sỹ với những thí sinh muốn thi vào ngành cơ, điện?

TS.Lê Minh Lư: Trước hết với chúng tôi, những người công tác trong ngành cơ, điện nông nghiệp luôn thấy yêu ngành, yêu nghề và luôn mong muốn và cố gắng đóng góp thật nhiều cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và nền nông nghiệp nói riêng. Với các thí sinh muốn thi vào ngành cơ, điện hãy coi đó trước hết là nghĩa vụ trách nhiệm đóng góp phần sức mình vào sự phát triển của nền nông nghiệp và của cả nước. Một nền nông nghiệp hiện đại, ngang tầm các nước tiên tiến đang chờ các em.


Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ