Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giáo dục tại Công văn số 871/BGDĐT ngày 18/3/2020, Công văn số 98/BGDĐT-KHTC ngày 7/4/2020, Công văn số 2023/BGDĐT-KHTC ngày 8/6/2020, cụ thể:
Hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; xem xét miễn Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý; ban hành các giải pháp, chính sách về miễn, giảm các loại phí, lệ phí; cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên được vay Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%; xem xét hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng.
Đến nay, Chính đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ cho các cán bộ, giảng viên, người lao động tại cơ sở giáo dục về gia hạn thời hạn nộp thuế, tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động...
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chủ động, tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ để đồng hành, giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở giáo dục như: Phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối miễn phí cho toàn bộ cơ sở giáo dục để tổ chức dạy, học trực tuyến; ban hành các hướng dẫn về thu học phí, tổ chức dạy học trực tuyến, điều chỉnh thời gian năm học, thời gian thi…
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để kiến nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp hỗ trợ đối với ngành Giáo dục.