Đặc điểm chính của đô thị nén là mật độ tương đối cao (mật độ cư trú, xây dựng, hệ số sử dụng đất…) với các chức năng sử dụng hỗn hợp. Cư dân được khuyến khích đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng. Đây là dạng đô thị nhỏ gọn, mật độ định cư cao, phát triển theo chiều cao và tích hợp đa chức năng.
Giải pháp cấp bách
Phát biểu tại tọa đàm “20 năm Hội Quy hoạch Phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng với sự nghiệp quy hoạch TP. Đà Nẵng” diễn ra vào tối 2/8, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện quy hoach Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho rằng Đà Nẵng đang cạn kiệt nguồn quỹ đất.
Cụ thể, hiện nay Đà Nẵng đang có hơn 1 triệu dân với quỹ đất ở đô thị là 98.043 ha, nhưng đến năm 2030 dự báo tăng lên 2,5 triệu người. Lúc đó, nhu cầu sử dụng đất sẽ là 37.500 ha. Điều này dẫn đến các vấn đề nổi cộm như áp lực của gia tăng dân số đối với quỹ đất, quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông và các tác tác động xấu đối với môi trường.
“Phát triển đô thị nén, các công trình cao tầng gắn kết với phát triển mạnh các hoạt động giao thông công cộng là giải pháp để tiết kiệm quỹ đất cho thành phố”, ông Cường khẳng định.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất phương án quy hoạch hai quận Hải Châu, Thanh Khê thành các khu đô thị tập trung với mật độ cao theo hướng đô thị nén, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đô thị xung quanh.
Trong khi đó, các khu nhà vườn với mật độ dân số thấp sẽ phân bố tại vùng ven của trung tâm các khu đô thị, bao gồm các khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), khu đô thị sinh thái Golden Hill (quận Liên Chiểu) và các khu đô thị sinh thái dọc theo con sông.
Xu hướng chung của các siêu đô thị
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, phát triển đô thị nén sẽ làm giảm sự dịch chuyển và khoảng cách giữa các chức năng trong đô thị, giúp tăng giá trị sử dụng và tiết kiệm tài nguyên đất. Trái với suy nghĩ nhiều người, đô thị nén sẽ không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông khi mạng lưới giao thông công cộng được xây dựng đồng bộ, hiện đại và tiện dụng.
Mô hình đô thị nén cũng đã được áp dụng thành công tại các siêu đô thị trên thế giới như: Portland/Hoa Kỳ, Freiburg/Đức, Hồng Kông/Trung Quốc. Ngoài ra, các KTS cũng cho rằng nhà ống dày đặc mới chính là một trong những nguyên nhân gây trục trặc tại các đô thị lớn. Nhà ống chỉ phù hợp với giao thông cá nhân, nhất là xe máy, điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng tại Đà Nẵng.
Tiếp lời ông Trần Ngọc Chính, KTS Bùi Huy Trí đề xuất: “Phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng đô thị nén nhằm tái thiết đô thị cũ theo hướng hiện đại, lấy sân bay quốc tế Đà Nẵng làm hạt nhân phát triển sẽ tạo nên động lực phát triển mới cho đô thị”
Cần tham khảo các mô hình đi trước
Nghị quyết 43 – NQ/TW ngày 24/1/2019 đã tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là vùng trọng điểm của miền Trung – Tây Nguyên. Lúc đó, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị biển sẽ chịu nhiều tác động lớn khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển.
Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư kí Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, thành phố cần áp dụng mô hình đô thị nén ở một số vị trí được lựa chọn cụ thể như khu vực trung tâm, các đầu mối giao thông quan trọng và khu vực ven biển trong cấu trúc tổng thể toàn đô thị.
Tuy nhiên, quy hoạch phải trên quan điểm bảo vệ, khai tác tốt yếu tố cảnh quan, bản sắc và giá trị sản đặc thù của thành phố, đảm bảo các yêu cầu về an toàn bay của sân bay Quốc tế Đà Nẵng, trên cơ sở tham khảo các mô hình tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội,…
“Cần lưu ý việc xây dựng nhà cao tầng ven biển có thể tạo bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư phía trong đô thị, làm mất mỹ quan cho mặt tiền của biển như bài học của thành phố Nha Trang đã cảnh tỉnh”, ông Quảng cho biết.