Tìm con chữ giữa trời đêm

GD&TĐ - Ngày lên nương, tối đến những cụ ông, cụ bà đến lớp xóa mù chữ. Mọi người hy vọng rằng con chữ sẽ giúp họ tự tin, thoát ra khỏi cái nghèo tri thức.

Lớp học xóa mù chữ ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).
Lớp học xóa mù chữ ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).

Lớp học ở làng

Cơn gió se lạnh những ngày cuối năm chẳng ngăn được bước chân của cụ ông, cụ bà đến trường học chữ. Hơn 3 tháng qua, 32 học viên của 3 làng Breng 1, Breng 2 và Breng 3 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại háo hức đến Trường Tiểu học Ngô Mây học chữ. Việc học con chữ với họ như bước sang một trang mới, đầy tươi sáng.

Cặm cụi viết chữ, tính toán… bà Siu H’Meh (57 tuổi) chẳng thể ngờ rằng có một ngày mình biết đọc, biết viết.

Bà bảo rằng: Xưa kia nhà nghèo, 3 chị em không được học hành đến nơi đến chốn. Dù biết một vài chữ, nhưng cái quốc, cái cày… trên rẫy khiến mấy chị em dần quên.

“Không biết chữ mình tự ti với mọi người lắm. Đặc biệt không biết áp dụng kiến thức vào trồng trọt, chăn nuôi… nên mãi đói nghèo. Khi nghe tin có lớp xóa mù chữ mọi người trong làng ai cũng hào hứng, rủ nhau đi học. Biết chữ mình sẽ áp dụng vào sản xuất để phát triển kinh tế, giúp cuộc sống tốt hơn”, bà Siu H’Meh tâm sự.

Sinh ra trong gia đình khó khăn ở làng Breng 2, lúc nhỏ bà Ksor H’Tin không có điều kiện đi học. Lớn lên lập gia đình, lo làm lụng kiếm tiền nuôi con nên bà không nghĩ đến việc đi học.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr - Siu Hnit cho hay: Trong năm 2023, UBND xã đã phối hợp với Trường Tiểu học Ngô Mây và Trường Tiểu học Lý Tự Trọng mở 4 lớp học xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực nên thu hút đông đảo người dân đăng ký. Bà con cũng đi học chuyên cần nên tỉ lệ sỉ số luôn được duy trì ở mức cao.

Người phụ nữ U60 bảo rằng: Không biết chữ khiến bà gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như nuôi dạy con cái. Nghe chính quyền địa phương vận động đi học xóa mù chữ, bà cùng chồng đăng ký ngay.

Tương tự, ở tuổi 57, bà Ksor Thup (làng Út 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) lần đầu tiên học đánh vần, tính những phép toán đơn giản. Mấy tháng từ ngày lớp xóa mù chữ được mở, bà Ksor Thup chưa vắng buổi nào.

“Được đi học chữ, tôi thích lắm. Mặc dù công việc đồng áng bận rộn cả ngày, rất mệt nhưng tôi vẫn quyết đi học. Hiện tôi đã biết đọc, biết viết tên của mình và một số từ đơn giản. Về nhà tôi nhờ con, cháu hướng dẫn thêm để chữ viết đẹp và tính toán nhanh hơn. Thông qua lớp học cũng giúp chúng tôi thắt chặt hơn tinh thần đoàn kết trong xóm làng”, bà Ksor Thup chia sẻ.

Con chữ tiếp thêm động lực cho người phụ nữ Jrai

Giáo viên ân cần chỉ dạy cho những học viên đặc biệt.

Giáo viên ân cần chỉ dạy cho những học viên đặc biệt.

Ở tuổi 67, nhưng khi nghe Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai) mở lớp xóa mù chữ, người phụ nữ Jrai - H'Chun hào hứng đăng kí đi học.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên bà H’Chun chẳng có điều kiện được đi học. Thuở nhỏ, bà tự ti với đám trẻ trong làng, lớn lên mặc cảm với mọi người xung quanh vì không biết chữ. Nhiều lúc bà muốn học đọc, học viết nhưng chẳng ai chỉ cho, tự học thì không thể. Những tưởng bản thân sẽ không bao giờ biết chữ nên bà H’Chun cứ miệt mài với việc nương rẫy. Khi dân làng kháo nhau có lớp xóa mù chữ, bà H’Chun chẳng mảy may suy nghĩ mà đăng kí ngay.

Dù quá tuổi học lớp xóa mù chữ nhưng thấy già H’Chun ham học, chính quyền địa phương và nhà trường ưu tiên cho bà đi học. Gần 1 năm học chữ, bà H’Chun chưa vắng ngày nào, kể cả những hôm mưa to. Có hôm phải đi bộ hàng chục cây số từ nhà ra thăm cháu bị ốm rồi về lớp học, đôi chân bà H'Chun mỏi nhưng người phụ nữ Jrai chẳng nghỉ học.

“Lớn tuổi nên ngồi lâu tôi mỏi lưng, mắt mờ lắm. Nhưng sợ lại bỏ dở việc học nên cố gắng mỗi ngày. Bản thân tôi luôn tự nhủ phải cố gắng học tập siêng năng để làm gương cho con cháu. Giờ đây tôi đã biết đọc, ghép chữ, đặc biệt là có thể tự ký tên mình thay vì điểm chỉ như trước kia”, bà H’Chun nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.