Ngày 31/5, TAND Tối cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức công bố Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 Bộ luật hình sự 2015 về tội rửa tiền.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: "Nghị quyết này sẽ giúp xử lý triệt để tội phạm rửa tiền liên quan đến tội phạm nguồn".
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cho biết rửa tiền là vấn đề không mới trên thế giới. Thế giới đã có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử về tội này và khoa học pháp lý về rửa tiền cũng đã hoàn chỉnh. “Nhưng với chúng ta thì đây là vấn đề mới, nên cần có Nghị quyết hướng dẫn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tội rửa tiền liên quan hầu hết đến các tội phạm nguồn ở các lĩnh vực khác nhau, nhất là ma túy, lừa đảo, tham nhũng… Phần lớn các loại tội phạm xét cho cùng từ mục đích “lợi nhuận”. Một người phạm tội nếu muốn dùng được đồng tiền, tài sản sau khi phạm tội thì phải xóa dấu vết, làm cho tiền xa dần với tội phạm nguồn, dùng các biện pháp khác để hợp pháp hóa nguồn tiền, tài sản. Đó là hành vi rửa tiền.
Cụ thể, nghị quyết quy định chi tiết thuật ngữ tiền, tài sản do phạm tội mà có; các trường hợp biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có; danh sách tội phạm nguồn mà tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền, một số tình tiết định tội, định khung hình phạt.
Nghị quyết xác định khái niệm "tiền" bao gồm VN đồng, ngoại tệ, có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản. "Tài sản" bao gồm: vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản, hữu hình vô hình, các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội. Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ một trong các tài liệu: bản án, quyết định của tòa án, tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ quyết định khởi tố vụ án, kết luận điều tra, cáo trạng).
Để quy kết hành vi "biết tiền do người khác phạm tội mà có" trong tội rửa tiền, cơ quan chức năng sẽ căn cứ việc người phạm tội trực tiếp biết; qua các phương tiện thông tin đại chúng (hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin) hay bằng nhận thức thông thường.
Vợ tiêu tiền không rõ nguồn gốc do chồng đưa, tiền do chồng phạm tội sẽ là "rửa tiền"
Nghị quyết số 03/2019 cũng đưa ra 4 trường hợp minh họa cụ thể:
Một là, người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ, người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có.
Hai là, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội có thể biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Ví dụ, hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin.
Ba là, bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ, A. biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 8 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền.
Bốn là, theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ, A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó.
Nghị quyết hướng dẫn "tội phạm nguồn" được hiểu là tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền. Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo Nghị quyết, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.
Việc ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP sẽ tạo ra hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh, phòng, chống rửa tiền, góp phần phòng, chống tham nhũng và thể hiện nỗ lực của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Được biết, Nghị quyết này được thông qua ngày 23/5/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/7/2019 tới đây.