Địa hạt còn vắng vẻ
Mặc dù là một trong những thể loại hấp dẫn người đọc, song trên thực tế địa hạt văn học trinh thám tại Việt Nam đang thiếu vắng người viết. Cho đến nay, những tác phẩm này xuất hiện chủ yếu là sách dịch. Một trong những nguyên nhân khiến các cây bút không mặn mà với thể loại này bởi đây cũng là một thể loại khó viết, đòi hỏi nhiều vốn sống phong phú.
Quá trình sáng tạo tác phẩm đòi hỏi người viết phải giàu trí tưởng tượng và thái độ làm việc khoa học, cẩn trọng như một nhà điều tra thực sự. Bởi đặc điểm của thể loại này là hành trình dẫn dắt người đọc đến với những suy luận của tư duy logic cộng với những kiến thức về tâm lý hành vi con người để khám phá các vụ án hình sự. Đặc biệt trong bối cảnh văn hóa đọc bị chi phối bởi nghệ thuật giải trí, công nghệ nghe nhìn cho nên muốn phát triển dòng văn học trinh thám càng không dễ dàng.
Ngược dòng thời gian có thể coi Mảnh trăng thu của Bửu Đình (được in dài kỳ trên báo Phụ nữ Tân văn năm 1930) là truyện trinh thám đầu tiên của Việt Nam. Sau đó là một số tác phẩm như Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Đôi hoa tai của bà Chúa (1942) của tác giả Phạm Cao Củng, sau đó là tác giả Thế Lữ với Đòn hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940)...; Bùi Huy Phồn với Gan dạ đàn bà (1942); Mối thù truyền kiếp (1942); Tờ di chúc (1943)… Tuy nhiên về nội dung, tình tiết và sự hấp dẫn người đọc mới ở chừng mực nào đó còn sơ khai. Sau đó thể loại văn học này dường như vắng vẻ trong cả một chặng đường dài bởi sự thiếu vắng những cây bút dám dấn thân thử nghiệm. Các tác phẩm thuộc thể loại này chỉ còn được xuất hiện trong mảng sách dịch từ nước ngoài.
Chờ mong những khai phá mới
Cho tới gần đây sự xuất hiện của cây bút Di Li với hai tác phẩm Trại hoa đỏ (2009) và Câu lạc bộ số 7 (2016) đã góp phần tạo nên sự góp mặt của thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam.
Tiểu thuyết Trại hoa đỏ kể về một trang trại mà nơi đó xảy ra không biết bao nhiêu vụ án bí ẩn khiến cho cô gái cảm thấy rất kinh hoàng khi chính mình bị lạc vào thế giới ma quỷ. Cô lấy chồng cũng đã nhiều năm nhưng chưa được anh tặng một món quà có ý nghĩa như vậy.
Đó chính là một nông trại mà nơi đó toàn hoa màu đỏ rất thơ mộng và lãng mạn. Nhưng sự thật đằng sau khung cảnh ấy thật rùng rợn, nhưng con người nơi đó thật kỳ dị. Một bộ tộc kỳ dị, những con người kỳ dị, những vụ sát hại bí ẩn và truyền thuyết về dòng họ Quách khiến chuỗi ngày ở Trại hoa đỏ đã trở thành một chuyến đi kinh hoàng. Cứ thế tác giả dẫn dắt người xem vào những ma hồn trận lắt léo với những diễn tiến kỳ bí.
Còn Câu lạc bộ số 7 lại tập trung vào đề tài chưa từng được đề cập đến trong văn học: Giới tính thứ tư. Cuốn tiểu thuyết dẫn dụ người đọc qua những câu đố thắt tim khi lần lượt chứng kiến năm vụ án mạng tưởng chừng chỉ là những tai nạn thông thường nếu như nạn nhân là các thiếu nữ xinh đẹp có cùng một điểm chung là trước khi chết đều bước chân lên chiếc taxi mang thương hiệu Hoa Sen.
Cả phòng cảnh sát hình sự, trong đó có Phan Đăng Bách và Mai Thanh (nhân vật chính của truyện) đau đầu vì không tìm thấy bất cứ dấu vết sinh học, tang chứng nào để lại hiện trường, cũng như không thể tìm ra động cơ của những vụ giết người.
Đối tượng tình nghi hàng đầu là Vũ Phương Đăng, con trai của một giám đốc ngân hàng, cũng là bạn trai của nạn nhân Lê Hoàng Mai. Nhưng những gì mà các cảnh sát hình sự lần lượt phát hiện ra đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Câu lạc bộ số 7 còn là một chuyện tình bi thương và đau lòng.
Rõ ràng yếu tố hấp dẫn của tiểu thuyết trinh thám chính là ở sự tài tình của tác giả khi hóa giải những nút thắt bí mật, kỳ bí. PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng, chừng nào con người còn tò mò về bản thân, mong muốn khai phá những khuất lấp về cuộc sống, thì chừng ấy văn học trinh thám vẫn phát triển và cần được khuyến khích phát triển.
Bởi vậy, giới phê bình nên quan tâm nhiều hơn tới việc tổ chức nhiều tọa đàm để chỉ ra thực trạng, hướng phát triển của văn học trinh thám Việt Nam. Ngoài ra, việc phát động nhiều cuộc thi sáng tác truyện trinh thám sẽ cổ vũ các tác giả dấn thân vào đề tài khá hấp dẫn và cũng đầy khó khăn này.