Vương Doãn tên tự là Tử Sư, người thuộc Thái Nguyên, Tinh Châu vào thời Đông Hán. Gia đình ông vốn là dòng họ có học thức, nhiều đời làm quan triều Hán. Bản thân Vương Doãn cũng rất tự hào và quyết tâm học tập thành tài để làm trung thần nhà Hán. Tuy nhiên, thời điểm ông làm quan cũng là lúc Hán triều bắt đầu suy sụp.
Khi chưa đầy 19 tuổi ông đã làm quan, giữ chức nhỏ trong quận Tinh Châu rồi sau này được thăng làm Thị Ngự Sử.
Năm 184, cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng bùng nổ (là một cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại nhà Hán). Vương Doãn được Hán Linh Đế phong làm Thứ sử Dự châu, cùng Hoàng Phủ Tung tham gia trấn áp Khăn Vàng. Không lâu sau, ông và Hoàng Phủ Tung dẹp được quân nổi loạn.
Tranh minh họa Vương Doãn (Ảnh: Wikipedia)
Theo sách Tổng tập lược truyện các Tể tướng trong lịch sử Trung Quốc, tập 1 của tác giả Chu Thiệu Hầu thì Vương Doãn vào làm quan trong triều, nhưng bị đố kỵ nên trong vòng 10 ngày từng bị bắt tới 2 lần. Nhờ có một đại thần là Trần Thiếp Lạc trong triều giúp đỡ, ông trốn thoát ra ngoài.
Sau này khi tướng quân Hà Tiến vào kinh chiếm lĩnh quyền lực thì cũng đã mời Vương Doãn cùng dự triều chính để bàn mưu kế và thuyết phục vua Hán Thiếu Đế phong ông làm Tư đồ.
Sau này, Hà Tiến bị hoạn quan sát hạt. Thái thú Hà Đông là Đổng Trác tiến quân vào kinh thành Lạc Dương , khống chế triều đình, lập Hán Hiến Đế Lưu Hiệp làm vua.
Đổng Trác chuyên quyền, bức ép hoàng đế, đe dọa các đại thần, ai cũng bất phục và căm tức. Theo tác phẩm Kể chuyện Tần Hán của các tác giả Lê Đông Phương và Vương Tử Kim thì dù có quan hệ cha nuôi với con nuôi cũng như chủ tớ với thuộc hạ nhưng mâu thuẫn giữa Đổng Trác và nghĩa tử là dũng tướng Lã Bố nảy sinh.
Đổng Trác nóng nảy, từng phi kích định giết Lã Bố khi không vừa ý khiến Lã Bố oán hận. Ngoài ra, Lã Bố còn lén lút quan hệ tình ái với người hầu gái của Đổng Trác và rất lo sợ bị phát hiện.
Trong chính sử thì Lã Bố giết Đổng Trác vì lo sợ bị phát hiện mình có quan hệ bất chính với một người hầu gái của ông.
Lã Bố là người đồng hương Tinh châu với Vương Doãn và được Vương Doãn quý mến. Vương Doãn thuyết phục Lã Bố ra tay giết Đổng Trác và ông cũng là lập mưu.
Tháng 4 âm lịch năm 192, Đổng Trác vào cung yết kiến vua Hiến Đế. Lã Bố và thuộc tướng Lý Túc phục võ sĩ ở cửa Bắc Dịch chờ đợi, khi Đổng Trác đi vào bèn đâm chết Đổng Trác.
Thời Đổng Trác nắm quyền ở triều đình, ông dời đô về Trường An. Sau khi Đổng Trác chết. Hai tướng trước kia từng theo y là Lý Thôi và Quách Dĩ đem quân bao vây Trường An. Trường An bị quân Lương châu bao vây.
Lã Bố chống cự trong 8 ngày, cuối cùng không giữ nổi. Lý Thôi thúc quân tràn vào thành. Lã Bố phải thành bỏ chạy. Vương Doãn không chịu chạy trốn cùng Lã Bố, cùng vua Hiến Đế chạy lên lầu trú. Lý Thôi mang quân tới vây lầu.
Lý Thôi bức bách Vương Doãn xuống lầu, bắt giữ rồi mấy hôm sau giết chết ông cùng mấy chục gia quyến. Năm đó Vương Doãn 56 tuổi.
Ngôi mộ đơn sơ của "nghĩa phụ" Điêu Thuyền
Bia do chính quyền địa phương lập và trung tu lần lượt vào các năm 2003 và 2012 (Ảnh : kknews.cc).
Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng của La Quán Trung, nhân vật Điêu Thuyền được miêu tả là có sắc đẹp "bế nguyệt" (khiến trăng cũng thẹn với sắc đẹp của nàng). Điêu Thuyền là nhân vật hư cấu, người đã khiến Lã Bố phải lòng.
Sau đó Vương Doãn nhận ra điều này, đã dâng Điêu Thuyền cho Đổng Trác, khiến Lã Bố mâu thuẫn và giết Đổng Trác. Vì thế khi nhắc đến Vương Doãn người ta thường nghĩ tới đây là "cha nuôi của Điêu Thuyền".
Một bia đã cũ từ thời xưa còn ghi rõ chữ "Vương Doãn mộ" (Ảnh : kknews.cc).
Cảm hứng cho sự kiện này vào tác phẩm của La Quán Trung có lẽ bắt nguồn từ sự kiện lịch sử có thật là Lã Bố đã có quan hệ bất chính với một người hầu gái của Đổng Trác và Vương Doãn là người trực tiếp lợi dụng điều này để mượn tay dũng tướng trừ khử gian thần.
Toàn cảnh khu mộ chỉ là một gò đất của người từng là đại quan nhà Đông Hán (Ảnh : kknews.cc).
Ngôi mộ của Vương Doãn hiện nay nằm ở phía bắc ngoại ô thành phố Hứa Xương trực thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Khu mộ tương đối đơn sơ và có một tấm bia đá xác nhận của chính quyền địa phương.