Án mạng tại ... buồng giam
Vụ án đánh hội đồng bạn tù đến chết xảy ra vào lúc 17h ngày 26/3/2014, sau khi ăn cơm xong, tại buồng giam số 1, nhà giam chung A3, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Vân Long (SN 1994); cho rằng anh Phạm Văn Bình nói dối việc giúp đỡ một người bạn của mình lúc đang bị tạm giam.
Vì vậy, tại đây, Long liên tiếp dùng chân, tay đánh, đá vào người anh Bình. Sau đó, Long ra lệnh cho đàn em trong buồng giam phải xông vào đánh anh Bình kèm theo lời dọa dẫm: “Đứa mô không đập, tao đập chết”.
Sau đó, anh Bình bị các đối tượng Trần Ngọc Sơn (SN 1991); Phạm Văn Nam (SN 1993); Phan Thanh Định (SN 1990); Võ Duy Tâm (SN 1994); Trần Văn Cương (SN 1993); Lê Hùng Phương (SN 1993) (đều trú tại Quảng Bình) đánh tới tấp vào người.
Đến khoảng 06h ngày 27/3, cán bộ quản giáo vào điểm danh, Long tập trung các bị cáo và phạm nhân điểm danh có 15 người, Long báo cáo với quản giáo anh Bình bị ốm. Khi cán bộ quản giáo đi ra ngoài, một người trong buồng giam phát hiện anh Bình chết.
Lúc này, Long và Sơn tỏ ra ranh mãnh khi tiếp tục tập trung các bị cáo và phạm nhân ngồi xung quanh, cả hai vừa đe dọa nếu Công an điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Bình thì khai báo là do anh Bình gây khó dễ, hay sai vặt anh em trong buồng giam nên ai cũng ghét, vì vậy anh Bình bị đánh, mỗi người nhận đánh một cái để nhẹ tội cho Long và Sơn, không ai được báo cho cán bộ biết, để Long và Sơn ra ngoài xử lý. Đến 08h cùng ngày Long và Sơn được cho ra ngoài làm vệ sinh thì ba tù nhân khác đạp cửa và báo cho cán bộ Trại tạm giam biết anh Bình chết.
Những bí mật nơi chốn biệt giam
Mới đây, TAND tỉnh Quảng Bình diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo trên về tội Giết người. Trong phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Quảng Bình làm rõ vị trí, vai trò của từng bị cáo đối với cái chết của anh Phạm Văn Bình. Điều đặc biệt, ngoại trừ Long có mâu thuẫn trực tiếp với anh Bình, 6 bị cáo còn lại khai nhận trước tòa, họ không có mâu thuẫn gì với nạn nhân Bình.
Bị cáo Trần Văn Cương cho biết: “Trong lúc tạm giam, bị cáo với anh Bình không có mâu thuẫn gì với nhau. Bản thân bị cáo không muốn đánh anh Bình, nhưng khi thấy Long lớn tiếng dọa nạt, nếu không đánh anh Bình, các bị cáo cũng sẽ bị Long đánh đến chết. Quá hoảng sợ, các bị cáo đành làm theo lời hô hoán của Long”.
Các bị cáo tại phiên tòa
Từ đây, những câu hỏi xoay quanh vai trò của Long và Sơn trong vụ án bắt đầu lộ rõ những bí mật tại buồng giam, nơi có 15 bị can và bị cáo cùng sống, sinh hoạt chung trong buồng giam.
Trong hồ sơ vụ án có một chi tiết ghi rất rõ, khi Long hô hoán những người khác trong phòng cùng đứng dậy đánh anh Bình khiến nhiều người cùng đặt ra câu hỏi: “Tại sao khi hô hoán mọi người trong phòng, Long lại hô mấy đứa mâm 2, mâm 3 đến đập thằng Bình?”, giải thích về điều này, anh Hoàng Mạnh H. (vừa là nhân chứng, vừa là một trong 15 người sống trong buồng giam) cho biết: “Trong buồng giam số 1, có 15 người, được chia làm 3 mâm.
Mâm 1, dành cho những người đại ca, có máu mặt (trong đó có Long và Sơn); mâm thứ 2 và mâm thứ 3 dành cho những người vào sau, yếu thế hơn”.
Theo đó, những người ở mâm dưới sẽ phải phục tùng theo sự chỉ đạo của mâm trên từ chuyện giặt giũ quần áo, rửa bát, đấm lưng, hay đánh đập người khác.....
Mỗi người mới vào, đều bị Long hoặc các đối tượng ở mâm trên đánh đập. Việc đánh đập vừa mang tính dằn mặt, vừa khẳng định ai là “đại ca” trong buồng giam đó.
Anh Hoàng Mạnh H. nhớ lại trận đánh xảy ra với mình vào chính đêm anh Bình bị đánh: “Hôm đó gia đình vào Trại tạm giam thăm tôi, tôi quên không dặn người nhà mua xà phòng giặt đem vào. Thế là trong lúc Long đánh anh Bình, Sơn lấy cớ tôi không dặn người nhà mang xà phòng vào rồi đánh vào người tôi tới tấp. Những người còn lại, mặc dù rất thương tôi nhưng vì sợ Sơn nên chẳng ai dám can ngăn”.
Bên cạnh Long, bị cáo Sơn được xem là phó buồng, là người đứng sau Long một bậc. Vì vậy, những lời Sơn hét ra, đều được những người còn lại tuân theo răm rắp.
Mặc dù phiên tòa xét xử 7 bị cáo, tuy nhiên, nhìn xuống hàng ghế ngồi của người thân các bị cáo chỉ có lác đác một vài người. Dường như, sự tàn nhẫn, coi thường pháp luật của 7 bị cáo đã khiến người thân của họ bất lực, muốn buông xuôi ngay chính những đứa con đẻ của mình.
Nhìn những bị cáo còn trẻ tuổi, nhiều người dự phiên tòa ngán ngẩm thở dài: “Mới chừng ni tuổi mà đã có tiền án, tiền sự, bây giờ lại vấp thêm tội giết người nữa thì biết khi nào mới trả hết án?”. Một điều khác biệt, dễ nhận thấy trong vụ án này, đó là tất cả các bị cáo trên đều gây án trong thời kỳ tạm giam chờ xét xử phúc thẩm, thậm chí có bị cáo đang thụ án gần xong.
Kết thúc phiên tòa, mọi người đều lặng lẽ ra về, chỉ còn lại hình ảnh người cha già của một bị cáo đứng ngoài song cửa nhìn chăm chú đứa con trai của mình. Đáng lẽ, nếu con trai ông không gây nên chuyện tày trời, thì giờ này, hai cha con ông đang rộn ràng bên mâm cơm gia đình....