Chi phí di chuyển
Hầu hết sinh viên Đức đều nhận được ưu đãi giá khi sử dụng vé phương tiện giao thông công cộng hàng tháng như xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện. Nếu bạn thích đi du lịch thì có thể mua BahnCard để được giảm giá từ 25-50% khi mua vé tàu và tham gia vào nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn. Đối với những sinh viên đã có bằng lái và muốn di chuyển bằng xe hơi thì vẫn hưởng các hình thức hỗ trợ giá từ các công ty cho thuê xe tại Đức.
BahnCard giúp sinh viên giảm thiểu đáng kể chi phí đi lại khi du học Đức
Chi phí cuộc sống
Du học sinh Đức thường tiết kiệm tài chính bằng cách sử dụng các dịch vụ gần các khu trường đại học. Một số thợ làm tóc cung cấp mức giá đặc biệt cho các em vào “Ngày sinh viên” cùng nhiều hình thức giảm giá có sẵn trong các dịch vụ thể thao, thể dục thẩm mỹ xung quanh trường. Sinh viên cũng có thể tham gia vào trung tâm thể thao tại trường với mức chi phí rất thấp hoặc miễn phí. Trong trường hợp các em muốn sử dụng những dịch vụ khác như: đọc báo, tạp chí, mở tài khoản ngân hàng, mua điện thoại di động…thì chỉ cần cung cấp đầy đủ giấy tờ hợp lệ cùng thẻ sinh viên sẽ được miễn hoặc giảm giá phí dịch vụ.
Sinh viên tại Đức có nhiều cách để trải nghiệm cuộc sống du học đáng nhớ
Thẻ sinh viên – “Vật bất li thân” của du học sinh Đức
Thẻ sinh viên tại Đức là “chìa khóa” để các em có thể được hưởng những ưu đãi về giá dù ở bất cứ nơi nào. Trong một số trường hợp, thành viên của các câu lạc bộ cũng được giảm giá với điều kiện các em phải đóng một khoản nhỏ khi gia nhập. Vì vậy thẻ sinh viên vẫn có vai trò rất lớn trong việc tiết kiệm tài chính khi du học Đức, cụ thể:
Nếu có nhu cầu mua sắm khi Du học Đức, sinh viên có thể đến với các cửa hàng trong các chuỗi siêu thị hay có ưu đãi giá như Aldi, Lidl và Netto. Lúc này các em nên kiểm tra kĩ giá cả và so sánh cẩn thận theo tuần để chọn lựa được mặt hàng cùng điểm đến mua sắm phù hợp. Bên cạnh đó, với thẻ sinh viên thì các em cũng sẽ được giảm giá khi mua sắm tại các siêu thị địa phương, hiệu thuốc, cửa hàng bách hóa khác tại Đức.
Trước khi đi mua sắm sinh viên nên kiểm tra thông tin kĩ càng
Khi đi mua sắm tại Đức, sinh viên cần phải chú ý kiểm tra kĩ thời gian bán hàng vì như nhiều nước khác ở châu Âu, các cửa hàng nơi đây thường hạn chế về thời gian và hầu hết đều đóng cửa vào ngày chủ nhật. Giờ làm việc của các cửa hàng tại Đức khác nhau tùy theo từng nơi. Các cửa hàng nằm ở trung tâm thành phố thường mở cửa từ 10g sáng đến 8 giờ tối vào những ngày trong tuần và các thứ bảy cho đến 4 giờ chiều (khung giờ có thể mở rộng đến 6 hoặc 8 giờ tối, tùy thuộc vào nơi các em sinh sống). Các siêu thị thường đóng cửa trễ hơn với một số trường hợp mở cửa từ 7g sáng đến 10 giờ tối. Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa vào các ngày chủ nhật và những ngày lễ. Tại các thành phố lớn, một số chợ và kiot vẫn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm vào ngày chủ nhật. Nếu tất cả những nơi này đã đóng cửa thì sinh viên có thể mua đồ ăn nhẹ tại các trạm xăng hoặc một số lò bánh mì vẫn buôn bán vào cuối tuần.
Một số chợ tại Đức vẫn mở cửa vào cuối tuần
Trong trường hợp các em có Thẻ Sinh viên Quốc tế thì có thể tiết kiệm tiền vé máy bay, tàu hỏa, phí vào cổng các viện bảo tàng, nhà hát…chỉ với giá 12 Euro từ hội sinh viên hoặc một số cơ quan du lịch của nơi đang sinh sống. Không những vậy, mỗi thành phố của Đức đều giảm giá cho sinh viên tại các nhà hàng, quán café, thư viện, rạp chiếu phim, sở thú, trung tâm mua sắm…vì vậy đối với những ai hướng ngoại thì việc tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí hay xã hội cũng không nhất thiết phải tiêu tốn nhiều tiền.
Làm thêm khi du học Đức – cách giúp sinh viên có thêm thu nhập
Có nhiều công việc để sinh viên có thể làm thêm trong thời gian du học Đức. Các em có thể tìm kiếm công việc tại các trang quảng cáo việc làm trên “Schwarzes Brett” đăng tải tại bảng thông báo hoặc trang web của các trường đại học. Tiếng Đức chính là lợi thế đáng kể để các em tìm kiếm được việc làm phù hợp và đa dạng tại nơi đây.
Sinh viên tại Đức có thể tìm thông tin việc làm thêm trên các trang web của trường
Sinh viên làm thêm khi du học Đức thường chọn những công việc tại khoa, thư viện hoặc các cơ sở khác trong trường đại học. Một số em khác thì phục vụ trong các quán café, quán ăn, cộng tác viên tại hội chợ, địa điểm du lịch, chuyển phát nhanh, trông trẻ hoặc phụ việc trong các cửa hàng in ấn. Thu nhập nhận được có sự chênh lệch tùy theo công việc, nếu như nhân viên thu ngân hoặc phục vụ được trả 6 Euro/giờ thì những em làm việc trong văn phòng hay theo hướng quảng bá như PG, PB có thể có được khoảng 10 Euro/giờ. Số tiền sinh viên kiếm được trong thời gian này phụ thuộc phần lớn vào kiến thức sẵn có và khu vực địa lý. Tại các thành phố lớn, đắt đỏ như Munich, Hamburg, Cologne…các em thể có thu nhập cao hơn, nhưng khi tính toán với tiền thuê và tiền ăn thì cũng không còn lại bao nhiêu.
Những công việc về tiếp thị, quảng bá có thu nhập khá đáng kể
Tiết kiệm chi phí khi du học Đức quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Điều này có nghĩa là nếu như tài chính phải chi trả cho những năm học tại Đức vượt quá khả năng thì các em HSSV cùng với gia đình nên suy nghĩ về hướng đi khác phù hợp hơn. Có rất nhiều quốc gia tại Châu Âu có chất lượng giáo dục cao song hành cùng chi phí hợp lý.