Tiếp viên Vietnam Airlines sẽ bị xử lý theo luật thế nào?

GD&TĐ - Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty luật Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội về trường hợp BN1342 vi phạm nghiêm trọng trong cách ly Covid-19.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty luật Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty luật Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, BN1342 trong thời gian cách ly tại nhà đã tự ý bỏ ra ngoài, cụ thể là đi ăn trưa ngày 21/11 và tới Trường đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) ngày 22/11. Đây là vi phạm rất nghiêm trọng trong cách ly tại khu tập trung và cách ly tại nhà, rất nguy hiểm.

Trường hợp bệnh nhân 1342, sau khi từ khu cách ly tập trung về nhà đã không thực hiện nghiêm việc cách ly, tiếp xúc với BN1347 (bạn nam đến ở cùng). Từ 1347 làm lây nhiễm cho 2 người. Hiện có 737 người có liên quan đến BN1342, BN1347.

Liên quan đến trường hợp BN1342, dưới góc nhìn pháp lý, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc công ty luật Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

PV: Tiếp viên Vietnam Airlines sẽ bị xử lý theo luật thế nào? Chịu trách nhiệm ra sao?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Qua một thời gian kiểm soát bệnh tật tốt. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng, đặc biệt do hành vi không tuân thủ cách ly của BN 1342 đã một lần nữa dịch bênh lây truyền trong cộng đồng. BN 1342 đã không chỉ vi phạm quy định cách ly tại nhà mà trong quá trình cách ly tập trung của Vietnam Airline BN 1342 cũng vi phạm quy định di chuyển từ khu này qua khu khác. Với hành vi vi phạm của mình, BN 1342 có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định xử phạt từ 15.000.000 đồng đế 20.000.000 đồng đối với hành vi:

“b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;”

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra được xếp vào nhóm A, gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao, chưa rõ tác nhân gây bệnh. Do đó, BN 1342 có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi trốn khỏi khu cách ly, không tuân thủ quy định trong cách ly.

Ngoài ra, hành vi của BN 1342 cũng có thể được coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Việc làm lây lan bệnh dịch gây nguy hiểm cho xã hội của BN 1342 có thể bị xử phat bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Vì vậy, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, BN 1342 có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự với mức xử phạt như trên.

PV: Khi nào nam tiếp viên Vietnam Airlines bị xử lý hình sự?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Việc nam tiếp viên Vietnam Airlines có bị xử lý hình sự hay không thì cần chứng minh có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không. Trong đó phải chứng minh các dấu hiệu:

- Về khách thể: hành vi vi phạm xâm phạm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của con người.

- Mặt khách quan: có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho con người.

- Mặt chủ quan: được thực hiện với lỗi cố ý.

- Chủ thể: Người thực hiện hành vi là cá nhân – người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi nhất định.

Vì vậy, hành vi của BN 1342 sẽ bị xử lý hình sự nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như trên. Trong trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh đủ các dấu hiệu tội phạm thì không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với BN 1342.

Ở đây BN 1342 đã tự ý đi ra khỏi nhà trong thời gian cách ly dù biết rằng sẽ gây hậu quả làm lây lan cho cộng đồng nên cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, phòng ngữa chung cho xã hội.

Vì vậy, cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh làm rõ là đưa ra kết luận cơ sở để giải quyết vụ việc, trả lời những thắc mắc của dư luận và để thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid - 19, tránh trường hợp dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng gây nguy hiểm cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ