Liên quan đến ca lây nhiễm của BN 1342 và BN 1347, nhiều trường học tại TP.HCM đã cho hàng chục ngàn HS, SV, học viên nghỉ học.
Chiều 30/11/2020, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch công bố ca mắc COVID-19 số 1347 là ca mắc lây từ khu cách ly có nguy cơ mang dịch ra cộng đồng.
Sau 1 ngày khoanh vùng và làm xét nghiệm F1, F2 của BN 1347 đã có thêm 2 trường hợp dương tính với COVID-19.
Được biết, BN 1347 lây nhiễm từ BN 1342 do trước đó BN 1342 - tiếp viên hàng không được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính (ngày 15 và 18/11/2020).
Ngày 28/11/2020, tiếp viên được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (BN 1342, thông báo ngày 29/11/2020). Trong quá trình cách ly, tiếp viên này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (BN 1347) - SN 1988, trú tại phường 3, quận 6, TPHCM có tới sống cùng.
Những ngày qua, dư luận xã hội quan tâm trước việc làm của BN 1342 và BN 1347, hành vi của họ về mặt pháp lý có bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hay không?
Đủ đấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự BN1342
Trao đổi với PV Báo Giáo dục & Thời đại, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, hành vi của bệnh nhân 1342 đủ đấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bởi những lý do sau:
Thứ nhất, ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 173/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra.
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp, chính vì vậy, mọi người dân phải ý có ý thức bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch bệnh. Do đó, hành vi không tuân thủ quy định về cách ly của BN 1342 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm các hành vi sau:
- Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
- Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thứ ba, Tại điểm b (1.1) phần 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quy định:
- Hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự
1.1. Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
(a) Trốn khỏi nơi cách ly;
(b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
(c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
(d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Như vậy, BN 1342 đã không tuân thủ quy định về cách ly theo hướng dẫn của công văn trên.
Thứ tư, theo Khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
- c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Đối chiếu với quy định trên thì hành vi của BN 1342 có thể bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240 BLHS 2015).
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức hình phạt tối đa đối với tội danh này lên đến đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
TS Bùi Kim Hiếu cho rằng, BN 1342 vi phạm rất nghiêm trọng quy định về cách ly và đã gây ra hậu quả lây lan ra cộng đồng nên cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội, để góp phần chống dịch COVID-19 bởi vì tại phần 2 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quy định:
- Hướng dẫn về áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp
2.1. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người...).
2.2. Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh).
2.3. Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thứ 5, trường hợp BN 1342 xử lý hình sự theo thủ lục rút gọn.
Theo Mục 3 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống COVID-19 quy định:
- Tòa án nhân dân chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 của Bộ luật Tố tụng hình sự; đối với vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì đưa ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Trong thời gian có dịch bệnh Covid-19, phải đưa các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra xét xử nhưng bảo đảm quy định về phòng, chống dịch (như: phòng xử án bố trí tối đa không quá 10 người; trường hợp phải triệu tập người tham gia phiên tòa vượt quá số lượng này thì phải bố trí cho họ ngồi ở phòng khác và sử dụng các thiết bị điện tử (micro, loa, ti vi, camera...) để họ tham gia phiên tòa hoặc xét xử lần lượt từng bị cáo, người tham gia tố tụng; bố trí khoảng cách giữa những người tham gia phiên tòa tối thiểu là 02 mét...).
- Chỉ cho người được Tòa án triệu tập vào phòng xử án để tham dự phiên tòa;
- Trong quá trình xét xử, cần có phương án tuyên truyền phù hợp (như đưa thông tin, hình ảnh, bài viết, phóng sự... về việc xét xử vụ án trên các phương tiện thông tin đại chúng) để bảo đảm công tác giáo dục, phòng ngừa chung.
Ngoài ra, theo thông tin trưa 21/11/2020 BN1342 rời khỏi nhà trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) tới ăn trưa trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận); sáng và chiều 22/11 người này đến học tại Đại học Hutech (quận Bình Thạnh).
Như vậy, BN1342 (người cách ly) đã không tuân thủ các quy định về cách ly, chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét...
Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: Sốt, ho, khó thở… Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.
Đối với bệnh nhân 1347: Có thể áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?
Trường hợp BN 1347 đến nhà BN 1342, khi biết BN1342 đang thực hiện cách ly. Sau đó vẫn “hiên ngang” đi một số nơi trong TPHCM, dẫn đến hàng loạt những chỗ BN 1347 “ghé qua” phải đóng cửa.
Về mặt dân sự có thể áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 giải quyết trong trường hợp trên.
Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”. Theo đó, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện (Lỗi không là dấu hiệu bắt buộc trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2015):
Một là, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần.
Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định.
Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Rõ ràng việc BN 1347 “đi” nhiều nơi làm hàng loạt các trung tâm, hàng quán đóng cửa đã có thiệt hại lớn xảy ra (thu nhập của các trung tâm, hàng quán đó và thu nhập của nhân viên phục vụ trong quán…)
Hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật trong trường hợp trên đó là những xử sự cụ thể của BN1347 được thể hiện thông qua hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (trung tâm Anh ngữ và hoạt động kinh doanh…)
Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại (về tài sản trong trường hợp trên) xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật của BN1347.
Đối chiếu quy định trên rõ ràng Trung tâm Anh ngữ và một số cơ sở kinh doanh nới BN 1347 “ghé qua” có thể khởi kiện dân sự yêu cầu BTTH ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý?
Mới đây Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 4995/BYT-DP ngày 20/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam, đối tượng là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:
- Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh… thì phải bắt buộc cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
“Vietnam Airlines đã có khu cách ly, BN 1342 bất luận vì sao lại được rời khỏi khu cách ly về nhà sau 5 ngày cách ly là sai. Trường hợp này có trách nhiệm của Vietnam Airlines không quản lý chặt người cách ly” - TS Bùi Kim Hiếu chia sẻ.