Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số: Hóa giải rào cản

GD&TĐ - Lào Cai - địa phương có đông học sinh người DTTS, nhiều năm qua đã tích cực triển khai các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trong trường mầm non.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi DTTS góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Ảnh: Phòng GD&ĐT Bắc Hà cung cấp
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi DTTS góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Ảnh: Phòng GD&ĐT Bắc Hà cung cấp

Thách thức

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Lào Cai, năm 2020, 100% trẻ DTTS đến trường được tăng cường Tiếng Việt (TCTV). Trong đó có 14,4% trẻ người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 2,5% trẻ người DTTS học mẫu giáo. Tuy nhiên, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS nói chung và trẻ DTTS 5 tuổi trước khi vào lớp 1 vẫn còn rào cản vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo cô Nguyễn Thị Duyên – Hiệu trưởng Trường MN Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai), trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn nên phần lớn phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Tình trạng gia đình phó mặc hoàn toàn việc dạy học cho nhà trường, GV phổ biến. HS đa số thuộc dân tộc Mông, địa hình sinh sống không tập trung, nhiều phong tục lạc hậu. Đến trường, các em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, về nhà cha mẹ cũng không biết tiếng Việt, hoặc không có ý thức giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt… dẫn tới hạn chế môi trường giao tiếp.

Kinh phí đầu tư cho phát triển sự nghiệp mặc dù đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và chưa có nguồn kinh phí riêng cho thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Trình độ đội ngũ không đồng đều… là những rào cản cho hoạt động dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS.

Tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi và xây dựng môi trường tiếng Việt giúp HS tiến bộ trong học tiếng Việt. Ảnh: Phòng GD&ĐT Bắc Hà cung cấp
Tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi và xây dựng môi trường tiếng Việt giúp HS tiến bộ trong học tiếng Việt. Ảnh: Phòng GD&ĐT Bắc Hà cung cấp 

Giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1

Cô Cao Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường MN Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Trẻ DTTS 5 tuổi cơ bản nói và hiểu tiếng Việt tốt. Tuy nhiên, để trẻ tự tin bước vào lớp 1, nhà trường đã tích cực cho trẻ hoạt động, học tập tại khu trải nghiệm trong trường. Từ đó, trẻ nắm bắt được tổng thể về môi trường xung quanh, phát triển hơn về thẩm mĩ, kiến thức, tình cảm xã hội… bằng tiếng Việt.

Theo cô Yến, dịch Covid-19 ảnh hưởng phần nào tới việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, nhà trường vẫn cố gắng cung cấp bài giảng đến phụ huynh để cùng phối hợp dạy trẻ tại nhà. Năm học tới trường có 84 trẻ bước vào lớp 1. 100% số trẻ 5 tuổi đã cơ bản đạt được yêu cầu chung của chương trình, nói thông thạo tiếng Việt… Đây là tiền đề vững chắc để trẻ nhanh chóng tiếp cận chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới.

Chia sẻ kinh nghiệm TCTV cho trẻ 5 tuổi, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường MN Hàm Rồng (Sa Pa - Lào Cai) nói: Trước hết, trường yêu cầu GV phải làm tốt công tác dân vận, tạo được thương hiệu, hình ảnh, môi trường giáo dục… để phụ huynh hiểu được yêu cầu phổ cập GD trẻ MN 5 tuổi. Sự quan trọng của tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN 5 tuổi khi chuẩn bị bước vào lớp 1. Quyền và trách nhiệm của phụ huynh trong việc tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi tới trường và học tập...

Nhà trường huy động gia đình, HS các lớp lớn hơn… tăng cường giao tiếp với trẻ 5 tuổi bằng tiếng Việt tại nhà để tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho HS DTTS. Những năm qua, trường đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường tiếng Việt ở không gian bên ngoài lớp học.

Ngoài ra, tại các điểm trường, ban giám hiệu cố gắng tổ chức bữa ăn bán trú để trẻ 5 tuổi ra lớp đều hơn, GV có thêm thời gian hỗ trợ tiếng Việt cho trẻ trong giờ học lẫn hoạt động ngoại khóa. Trường cũng yêu cầu GV dạy trẻ 5 tuổi thường xuyên trao đổi chuyên môn với GV lớp 1 để tìm hiểu những yêu cầu chung từ đó có cách hướng dẫn dạy trẻ phù hợp, bảo đảm sự liên thông kiến thức, nhận biết khi bước vào lớp 1…

Ông Trần Ngọc Cừ – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Pa (Sa Pa – Lào Cai) cũng cho biết: Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi, ngành chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, bậc cha mẹ, GV, cán bộ quản lý và cộng đồng với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS số gắn với đổi mới Chương trình GDPT.

Mặt khác, phát huy vai trò nòng cốt chủ động, tích cực của đội ngũ cốt cán trong việc đổi mới phương pháp dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, kiểm tra kết hợp với tư vấn giúp đỡ để nâng cao chất lượng hoạt động tăng cường tiếng Việt cũng như chất lượng giáo dục vùng DTTS.

Phòng GD&ĐT tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, GV dạy trẻ em MN người dân tộc thiểu số về tiếng dân tộc. Công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng cũng được phòng chú trọng. Đặc biệt, quan tâm bồi dưỡng công tác quản lý, kỹ thuật tổ chức các hoạt động tại các điểm trường, lớp ghép tích hợp với tập huấn đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018.

Với trẻ 5 tuổi, nhà trường sẽ cho tham quan các phân hiệu trường, trường tiểu học để tiếp cận môi trường học mới. GV tiểu học có dịp làm quen, cung cấp kiến thức liên quan cơ bản nhất cho trẻ. - Cô Cao Thị Hải Yến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ