(GD&TĐ) - Ngày mai 14/2 tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ toàn quốc nhằm đánh giá kết quả thực hiện đổi mới giáo dục đại học năm 2011 và bàn các giải pháp đẩy mạnh công tác đổi mới trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Trước thềm Hội nghị, Báo GD&TĐ đã có buổi phỏng vấn GS. Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT những nội dung quan trọng sẽ được bàn thảo và thống nhất tại Hội nghị này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như những năm trước |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong năm 2011, thực hiện tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Nghị Quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chỉ thị 296 của Thủ Tướng Chính phủ về đổi mới quản lý, trong lĩnh vực giáo dục đại học, Bộ đã trình cấp trên ban hành và ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật để tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ sở, tách bạch công tác chuyên môn và công tác quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý như Nghị định 115, Quyết định 63, các Thông tư 38, 08, 57… Thực hiện các văn bản này, các cơ sở giáo dục đại học đã nâng cao tính chủ động và tinh thần trách nhiệm trong hoạt động giáo dục, các địa phương đã vào cuộc cùng với Bộ trong kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động giáo dục đào tạo, xử lý những vi phạm để đưa hoạt động giáo dục đại học vào nề nếp.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong năm 2012, trọng tâm công việc của GDĐH là ban hành và hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho công tác đổi mới quản lý. Nền tảng của hệ thống văn bản này là Luật Giáo dục đại học. Đến nay dự thảo luật này đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu chuyên trách, các chuyên gia trong cả nước để hoàn thiện trước khi thông qua ở Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Nội dung dự thảo Luật bao quát tất cả những vấn đề của hoạt động giáo dục đại học, xử lý những vấn đề nảy sinh trong thời kỳ đổi mới mà đến nay vẫn chưa có văn bản nào đề cập một cách hệ thống như vấn đề phân tầng đại học để làm cơ sở đầu tư nguồn lực phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực đa dạng; giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học để khơi thông mọi nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo; kiểm soát chất lượng đào tạo từ đầu vào, trong quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra; xã hội hóa giáo dục đại học, phân biệt các loại hình trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận để có chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp.
Thường trực Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 đi kiểm tra công tác thi tại Đại học Công đoàn |
Vậy cụ thể những nhiệm vụ đổi mới GDĐH trong năm 2012 và những năm tiếp theo là những việc gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong đó có GDĐH, là nhiệm vụ của ngành GD&ĐT không chỉ trong năm 2012 mà cả các năm tiếp theo. Để thực hiện toàn diện nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT chủ trương:
1) Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tập trung vào các lĩnh vực: Đổi mới tư duy giáo dục đại học; Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục đại học; Đổi mới quản lý giáo dục đại học; Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng và chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, và đánh giá kết quả giáo dục đại học; Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội
2) Đổi mới qui trình mở ngành, chuyên ngành đào tạo: Năm 2012, tiếp tục thực hiện việc đổi mới mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo tinh thần Thông tư 38 và Thông tư 08 về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, kê khai trung thực, khách quan, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; Tiến hành khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của ngành để đề nghị mở ngành, chuyên ngành cho phù hợp. Các cơ sở đào tạo được giao thẩm định chương trình đào tạo cho trường khác cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa, không gây khó khăn, bảo đảm tiến độ thẩm định và đánh giá đúng, khách quan về chương trình đào tạo. Mặt khác Bộ cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT nghiên cứu và nắm vững các quy định của Thông tư 38 và Thông tư 08 để bố trí đủ nhân lực có trình độ, kinh nghiệm cho phòng chuyên môn thuộc sở, để thực hiện nhiệm vụ được giao; Tổ chức kiểm tra, xác nhận các điều kiện thực tế theo hồ sơ mở ngành, chuyên ngành theo đề nghị của cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn, bảo đảm thời gian, khách quan và tin cậy.
3) Đổi mới qui định xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Mục tiêu đổi mới xác định chỉ tiêu tuyển sinh là đảm bảo chất lượng đào tạo trên cơ sở điều kiện thực tế của từng trường, chấm dứt tình trạng tăng qui mô vượt quá năng lực đào tạo trong toàn hệ thống. Các trường tập trung củng cố chất lượng theo chuẩn đầu ra đã công bố, giảm dần qui mô các hệ đào tạo không chính qui.
Mới đây, ngày 02/12/ 2011, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 57 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, các trường căn cứ tiêu chí về tỷ lệ sinh viên (chỉ tính học sinh, sinh viên đào tạo theo hình thức chính quy, tính theo số thực, không quy đổi)/giảng viên cơ hữu quy đổi và tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của cơ sở đào tạo/sinh viên để tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học, liên thông (vừa làm vừa học), đào tạo bằng hai (vừa làm vừa học) được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy đã xác định. Từ năm 2012, các đại học, học viện và các trường đại học không tuyển sinh và đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.
Thông tư cũng quy định, nếu có gian lận trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thì tùy theo mức độ sẽ bị đình chỉ tuyển sinh một số ngành hoặc đình chỉ tuyển sinh cả trường trong năm đó, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành. Khi nào phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý, dù sai phạm xảy ra vào thời điểm nào
4) Đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy
Bộ GD&ĐT dự kiến lộ trình đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng chính qui như sau: Từ nay đến năm 2015: Tiếp tục giữ ổn định công tác tuyển sinh theo giải pháp 3 chung. Từ năm 2016-2019: Chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn công cụ bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và các môn thi tự chọn, các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo (không thi theo khối). Từ năm 2020 trở đi: Khi luật Giáo dục Đại học đã đi vào cuộc sống, sự phân tầng đại học đã được thực hiện và công tác kiểm định chất lượng đi vào nề nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các trường đại học tốp đầu, các trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Tất cả các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông.
Thực hành nghiên cứu khoa học tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội |
Trong năm 2012, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ dự kiến sẽ có những thay đổi nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước mắt, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như những năm trước. Dự kiến có một số điều chỉnh, bổ sung như sau:
- Tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đạt giải nhất, nhì, ba vào đại học và giải khuyến khích vào cao đẳng các ngành đúng hoặc ngành gần theo môn học sinh đạt giải. Học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đạt giải, nếu dự thi đại học, cao đẳng thì được ưu tiên như những năm trước.
- Bổ sung khối thi A1: Ngoài các khối thi truyền thống A, B, C, D, các khối năng khiếu, năm nay bổ sung thêm khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh). Để bảo đảm sự ổn định ở các trường tuyển sinh theo khối thi truyền thống và không ảnh hưởng đến việc học tập, định hướng ôn tập của học sinh trong 3 năm học THPT (theo ban và theo khối), Bộ yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với từng ngành đào tạo.
- Điều chỉnh lịch thi, vẫn tổ chức 3 đợt thi, nhưng sẽ tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của 3 tuần đầu tháng 7;
Giảng viên trẻ ngày càng đảm nhiệm tốt vai trò đứng lớp trên các giảng đường đại học |
- Dự kiến bổ sung cụm thi Hải Phòng và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học các trường đại học đóng tại Tp. Hồ Chí Minh;
- Giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển: Căn cứ điểm sàn (điểm sàn không nhân hệ số), chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không qui định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước;... Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển: thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt; thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển; chỉ tiêu cần tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; nguồn tuyển.
- Năm 2012, dự kiến Bộ không in và phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh như những năm trước. Các thông tin liên quan đến tuyển sinh, thí sinh có thể tham khảo trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của các trường.
Những thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 này sẽ được đưa ra bàn thảo và quyết định tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ngày mai 14/2.
Xin cám ơn Thứ trưởng!
Bạch Ngọc Dư (thực hiện)