(GD&TĐ) - Nữ cán bộ, giáo viên trong ngành còn thực hiện tốt cuộc vận động “ủng hộ phụ nữ và trẻ em nghèo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Riêng chị em ở các trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc CĐGD Việt Nam đã quyên góp trên 300 triệu đồng hỗ trợ nữ nhà giáo, con nữ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.
5 năm qua, công đoàn giáo dục (CĐGD) các cấp đã đẩy mạnh công tác nữ và bình đẳng giới trong đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành và đã thu được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh, tập trung vào các nội dung: Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức “tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH.
Vai trò của nữ nhà giáo trong giáo dục ngày càng được phát huy. Ảnh: Minh Thắng |
Hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8 tháng 3 và Ngày phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, CĐGD các cấp đều tổ chức những hoạt động thiết thực mang màu sắc nữ về văn nghệ, văn hoá, thể dục, thể thao, gặp mặt, giao lưu, tham quan du lịch, thi nấu ăn v.v, vừa để tổng kết công tác nữ và bình đẳng giới, vừa động viên, tôn vinh chị em. Tiêu biểu là 6 hội nghị biểu dương nữ nhà giáo và nữ sinh viên tiêu biểu ở các vùng, miền, do Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành và CĐGD Việt Nam phối hợp tổ chức. CĐGD Việt Nam phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành chỉ đạo CĐGD các cấp thực hiện phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, lồng ghép với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Nữ cán bộ, giáo viên và người lao động các cấp học, bậc học tích cực và gương mẫu tham gia tất cả các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành, như: Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, cán bộ thư viện giỏi; ứng dụng công nghệ thông tin...
Tuy vậy, hoạt động nữ công và bình đẳng giới còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Công tác vận động nữ và cán bộ nữ mặc dù đã được quan tâm nhiều trong khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhưng số cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt chưa nhiều, chưa cân đối, đặc biệt tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo quản lý ở Bộ, Sở, Phòng, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng còn thấp. Một bộ phận nữ nhà giáo chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình về công tác quản lý, vì vậy có biểu hiện ngại làm lãnh đạo, thiếu tự tin, không chủ động phấn đấu; vẫn còn tình trạng nữ nhà giáo và lao động vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Số giáo viên nữ có trình độ trên chuẩn chưa cao so với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, một số chị em đi học nhằm đạt được bằng cấp, nhưng chưa quan tâm nhiều đến vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn giảng dạy và công tác hàng ngày. Trong nữ sinh viên, học sinh, công tác giáo dục lối sống, hiểu biết về giới, bình đẳng giới chưa toàn diện và thường xuyên, nên một số em có biểu hiện lối sống buông thả.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác nữ và bình đẳng giới, CĐGD các cấp cần thực hiện tốt một số định hướng sau đây:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành nói chung, chị em nói riêng tổ chức thực hiện mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 11 Bộ Chính trị về công tác nữ; chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam và chương trình hành động của ngành về thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Tổ chức những hoạt động mang màu sắc nữ để động viên, tôn vinh nữ cán bộ, nhà giáo và nữ học sinh, sinh viên trong ngành và trong xã hội. Trước mắt là tổ chức những hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội XIV CĐGD Việt Nam vào ngày 25 và 26 tháng 3 năm 2013, tiến tới chào mừng đại hội XI Công đoàn Việt Nam vào tháng 7 năm 2013.
Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới nội dung, hình thức phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” phù hợp với nữ nhà giáo ở mỗi cấp học, bậc học; thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa, lồng ghép với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” để chị em không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng công tác quản lý; đồng thời tổ chức tốt cuộc sống của gia đình theo tiêu chí: ít con, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Phấn đấu đạt chuẩn mực người phụ nữ ngành Giáo dục: “Yêu nước; Có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Có sức khoẻ; Có lối sống văn hoá và tấm lòng nhân hậu; Quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng và 4 phẩm chất: Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu”.
Tham mưu cho lãnh đạo các cấp về công tác nữ và cán bộ nữ: Phát hiện, giới thiệu cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo các ở đơn vị, phấn đấu đến năm 2015 đạt các chỉ tiêu kế hoạch bình đẳng giới ngành Giáo dục giai đoạn 2012-2015 đề ra. Củng cố, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Nữ công thuộc CĐGD các cấp; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng đổi mới phương thức hoạt động nữ công, bồi dưỡng cán bộ Ban Nữ công thời kỳ hội nhập.
Phạm Văn Thanh
Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam