Tiếp thêm niềm tin cho bệnh nhân ung thư

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ đầu tháng 6/2023, Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân ung thư đến từ Khoa Ung bướu của bệnh viện.

Tiếp thêm niềm tin cho bệnh nhân ung thư

Khi những đau khổ được chia sẻ, đau khổ sẽ vơi bớt. Thấu hiểu điều đó, tại TPHCM, một số bệnh viện đã quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tâm lý của bệnh nhân ung thư, từ đó giúp cho mỗi người bệnh được nâng đỡ, được sống trọn vẹn hơn trong mỗi ngày.

Gỡ rối lo âu cho người bệnh

Từ đầu tháng 6/2023, Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân ung thư đến từ Khoa Ung bướu của bệnh viện. Đội ngũ chuyên viên tâm lý và cộng tác viên của Khoa Tâm thể sẽ tiếp nhận, đánh giá ban đầu và nâng đỡ tinh thần cho những bệnh nhân ung thư hoàn toàn miễn phí.

Tâm lý gia Phan Thị Hoài Yến – Phó Trưởng khoa Tâm thể - cho biết đây là hoạt động phối hợp giữa hai khoa, nhằm mục đích nâng đỡ tinh thần cho người bệnh ung thư.

“Không chỉ bệnh nhân ung thư mà những bệnh nhân khác, đều có nhu cầu được nâng đỡ tinh thần, nhất là khi tiếp nhận tin xấu về tình hình sức khỏe. Khi chúng ta giúp cho tâm lý bệnh nhân được tốt hơn cũng là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân”, ThS Phan Thị Hoài Yến cho biết.

Sau hơn 2 tháng thực hiện, có hàng chục lượt bệnh nhân ung thư được hỗ trợ tâm lý ở Khoa Tâm thể. Trong đó, các vấn đề tâm lý thường gặp nhất là lo âu, trầm cảm, căng thẳng, điều hòa cảm xúc, mất ngủ, chán nản...

Dù cơ sở vật chất còn nhỏ hẹp nhưng Khoa Tâm thể vẫn sắp xếp một không gian phù hợp, đủ an toàn để giúp bệnh nhân ung thư chia sẻ những âu lo, vướng mắc trong lòng; từ đó giúp họ giải tỏa những vấn đề tâm lý nặng nề, không chỉ liên quan đến bệnh tật mà cả các vấn đề khác trong cuộc sống.

Chị H.X.H (Thủ Đức, TPHCM) - một bệnh nhân ung thư vú, sau khi đến Khoa Tâm thể lần đầu tiên đã quay trở lại lần thứ 2, thứ 3 để được hỗ trợ tâm lý. Chị cho biết hoạt động này giúp người bệnh và thân nhân được tiếp thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua bệnh tật, có cuộc sống an vui.

Chuyên viên tâm lý của Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) trong một buổi sinh hoạt với bệnh nhân ung thư. Ảnh: BVCC.

Chuyên viên tâm lý của Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) trong một buổi sinh hoạt với bệnh nhân ung thư. Ảnh: BVCC.

Mở nhạc giúp bệnh nhân giảm căng thẳng

Tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày có khoảng 500 - 600 người bệnh đến khám và điều trị. Theo ThS Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc bị chẩn đoán mắc ung thư khiến người bệnh hoang mang, căng thẳng.

Do đó, chỉ cần một cuộc điện thoại hay một cái nắm tay... đã giúp bệnh nhân rất nhiều. Vì vậy, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã tổ chức nhiều hoạt động để nâng đỡ và chăm sóc tinh thần bệnh nhân ung thư.

Ở Khoa Hóa trị, Trung tâm Ung bướu, để xua tan nỗi buồn lo, căng thẳng, Bệnh viện Chợ Rẫy chủ động mở các bản nhạc hòa tấu không lời. Phòng Công tác xã hội đã rất chu đáo khi đặt quầy nước giải khát miễn phí với nhiều loại nước trái cây mát lạnh phục vụ bệnh nhân mỗi ngày. Không chỉ thế, sáng và chiều mỗi ngày, nhân viên bệnh viện đẩy xe nước giải khát và bánh đi đến phục vụ người bệnh tại ghế truyền thuốc ở khu vực điều trị.

Bên cạnh đó, trong lúc chờ khám và truyền dịch thuốc, người bệnh có thể đọc báo, xem các chương trình giải trí trên tivi LCD, có thể kết nối wifi để truy cập web, trò chuyện cùng người thân...

Ngoài ra, tại lầu 7, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy còn có khu sinh hoạt cho bệnh nhân ung thư. Tại đây có các tủ nón len, tóc giả, áo ngực dành cho bệnh nhân ung thư vú và tủ sách hạt giống tâm hồn giúp bệnh nhân lấy lại niềm vui, lạc quan và gắn bó với gia đình.

Liệu pháp tiếp thêm niềm tin, hi vọng

Nghiên cứu tại Bệnh viện K năm 2020 trên 300 bệnh nhân ung thư ở các giai đoạn như điều trị hóa chất, xạ trị, phẫu thuật hay chăm sóc giảm nhẹ cho thấy, có 70% bệnh nhân ung thư có các triệu chứng của căng thẳng tâm lý; gần 40% bệnh nhân bị trầm cảm, trong đó có gần 50% trầm cảm ở mức độ nặng và rất nặng, có thể dẫn đến nguy cơ tự sát; 30% bệnh nhân có triệu chứng của rối loạn lo âu, cần can thiệp và hỗ trợ sớm.

Một số nghiên cứu khác cho thấy khi biết bị ung thư, người bệnh hoang mang và tỷ lệ tự tử có thể cao gấp 2,5 lần so với các bệnh khác.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chăm sóc tâm lý tốt sẽ giúp người bệnh ung thư giảm căng thẳng, giảm nguy cơ rối loạn tâm lý nặng ở các giai đoạn điều trị khó khăn, cải thiện kỹ năng ứng phó với bệnh, tăng cường chất lượng cuộc sống.

Xe nước giải khát miễn phí cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

Xe nước giải khát miễn phí cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân ung thư chịu nhiều tác động từ tác dụng phụ của quá trình điều trị cho đến những vấn đề tài chính gia đình. Vì vậy, bệnh nhân rất dễ chán nản, có thể dẫn đến từ chối điều trị.

TS.BS Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy - nhận định, bệnh nhân ung thư không chỉ phải chịu nỗi đau thể chất, mà còn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Các bác sĩ điều trị ung thư rất hiểu và cảm thông cho bệnh nhân nhưng chỉ có thể tập trung lo chuyên môn chữa trị bệnh.

“Thật sự không ai muốn làm “chiến binh K” cả nhưng khi có bệnh, chúng ta phải cố gắng chiến đấu. Gia đình, bạn bè, y bác sĩ chỉ là người bạn đồng hành. Điều quyết định thành công chính là sự cố gắng, chiến đấu bền bỉ của bệnh nhân”, BS Lê Tuấn Anh cho biết.

TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cũng chia sẻ, khi nghe chẩn đoán bị ung thư thì đa số bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân vừa phải gánh chịu đau đớn thể xác vừa có những đau khổ tâm lý.

Do đó, những hoạt động chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân ung thư là nhằm giúp cho người bệnh cảm thấy thoải mái nhất về tinh thần, ít khó chịu nhất về thể xác. Những hoạt động tuy nhỏ nhưng sẽ giúp cho bệnh nhân ung thư cảm thấy được quan tâm, thư giãn, từ đó có thêm niềm tin, có thêm sức mạnh để tiếp tục điều trị và hy vọng.

“Trong suốt khoảng thời gian mắc bệnh, bệnh nhân có thể cảm thấy rất nhiều cảm xúc khác nhau như buồn bã, lo âu, cô đơn, sợ hãi, giận dữ, thất vọng, tội lỗi, cảm thấy mất kiểm soát, thay đổi cách nghĩ về bản thân và tương lai.

Một số cách để đương đầu với tình trạng này là: Cho phép bản thân có thời gian để thích nghi; trò chuyện với những người có cùng hoàn cảnh giống mình; xây dựng mạng lưới gia đình và bạn bè; yêu cầu và chấp nhận sự thay đổi; đón nhận sự hài hước; duy trì hoạt động như tập thể dục; tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia; tập trung nỗ lực vào những gì có thể kiểm soát; tham gia một nhóm hỗ trợ; viết nhật ký; học các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, giãn cơ bắp, thiền, yoga...” - BS Trần Kiến Bình – Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, thành viên Tổ chức Y học cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ