Đã thành thông lệ, vào dịp đầu năm học mới, các chương trình, hoạt động tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nhiều đơn vị, trường học trên mọi miền Tổ quốc tích cực triển khai. Suất học bổng, đồng phục, sách vở… được trao tận tay các em đã góp phần san sẻ bớt gánh nặng lo toan cho nhiều bậc phụ huynh.
Mỗi trò một bộ sách
Theo ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, ngành đã chủ động chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao tặng 1.150 bộ SGK Chương trình GDPT mới các khối lớp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Tổ chức tặng sách cho Làng trẻ em SOS. Song song với đó, Công ty duy trì đáp ứng nhu cầu mua sắm SGK của các bậc phụ huynh tại cửa hàng.
“Kết thúc năm học 2022 - 2023, ngành ban hành các văn bản chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo đến phụ huynh, học sinh, cán bộ giáo viên danh mục SGK sử dụng cho năm học mới.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với nhà xuất bản, dựa trên số lượng học sinh để đăng ký. Bên cạnh đó, chúng tôi khích lệ phong trào quyên góp, ủng hộ các tủ sách dùng chung trong toàn ngành. Khi kết thúc năm học, các trường đã tổ chức tuyên truyền, quyên góp, ủng hộ SGK để đưa vào thư viện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn”, ông Hoàn trao đổi.
Tại Điện Biên, phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố cũng chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo danh mục SGK lớp 4, 8, 11 do UBND tỉnh phê duyệt tới phụ huynh, học sinh. Bổ sung SGK cho thư viện nhà trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục được giao. Chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng SGK đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đến cơ sở giáo dục theo nhu cầu của giáo viên và học sinh trên địa bàn.
Đối với học sinh diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, các trường tiếp tục triển khai phong trào xây dựng “Tủ SGK dùng chung”; Chương trình “Cùng em bước tới trường”… Bên cạnh đó, kết nối các nguồn lực xã hội đảm bảo cho học sinh có SGK sử dụng trong học tập.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên là đơn vị nhiều năm tiếp nhận đăng ký và cung ứng SGK tại địa bàn. Ông Trần Quang Đức, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: “Chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi đã nhập 1,7 triệu bản sách. Trong đó, khoảng 1,3 triệu bản thuộc Chương trình GDPT mới. Từ đầu tháng 6, Công ty đã vận chuyển sách đến các huyện, trực tiếp đưa đến từng trường. Thời điểm này, dù thời tiết không thuận lợi, mưa lũ xảy ra ở nhiều địa bàn nhưng các chuyến xe chở SGK của Công ty vẫn tiếp tục lăn bánh đến vùng khó. Mục tiêu để kịp thời cung ứng đủ sách cho năm học mới”.
Tại Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, SGK đã về từ cuối tháng 7. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Quynh thông tin: “Năm học 2023 - 2024, trường có khoảng 270 học sinh. Ngoài số sách huy động từ quyên góp, ủng hộ để sử dụng lại, nhà trường đặt gần 200 bộ sách mới. Về cơ bản đã đủ SGK cho năm học mới”.
Nậm Pồ là huyện biên giới, khó khăn của tỉnh Điện Biên. Từ cuối năm học trước, đơn vị, đã rà soát, báo cáo và đăng ký nhu cầu SGK năm học 2023 - 2024. Chia sẻ thông tin, ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, đồng thời cho hay: Phòng chỉ đạo các trường tích cực tuyên truyền tới toàn thể cán bộ giáo viên và phụ huynh về các chế độ, chính sách như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của Chính phủ.
Từ đó, phụ huynh chủ động sử dụng tiền hỗ trợ đúng mục đích như: Mua SGK, đồ dùng học tập... Vận động phụ huynh và học sinh ủng hộ SGK còn sử dụng được cho thư viện của trường để giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu là đảm bảo 100% học sinh có đủ SGK, vở viết.
Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ có 597 học sinh tiểu học, 321 em cấp THCS. 98% học sinh ở đây là con em người dân tộc thiểu số. Với những em không thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ có SGK, nhà trường vận động xã hội hóa với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
“Chúng tôi quyên góp ủng hộ sách của năm trước hoặc vận động nguồn tài trợ để hỗ trợ các em. Năm học mới nhà trường đảm bảo mỗi học sinh đều có một bộ sách để học”, cô Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.
Học sinh Trường Tiểu học Trung Lập Thượng nhận quà từ đơn vị kết nghĩa của trường. |
Bỏ tiền túi mua thẻ bảo hiểm cho trò
Từ khi về nhận công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp), cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Mai không chỉ là “đầu tàu” tâm huyết, trách nhiệm trong sự nghiệp trồng người, mà còn giàu lòng nhân ái, luôn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là học sinh khó khăn trong trường. Ngoài vận động hàng chục phần quà hỗ trợ học sinh mỗi lần tổng kết năm học hay bước vào năm học mới, mỗi năm cô Mai còn hỗ trợ 10 - 15 thẻ bảo hiểm y tế cho trò nghèo.
Chia sẻ về việc làm của mình, cô Mai cho hay, bình quân mỗi năm Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai có trên 1.400 học sinh, trong đó khoảng 40% thuộc diện theo bố mẹ đến địa phương tạm trú làm các nghề như buôn bán nhỏ, công nhân, làm thuê, bán vé số… Vì thế, cô quyết định mỗi năm sẽ bỏ tiền túi ra mua thẻ bảo hiểm hỗ trợ những học sinh khó khăn.
“Thực tế vào đầu năm học, phụ huynh có nhiều khoản phải lo cho con em chuẩn bị đến trường như tập sách, quần áo, học phí… Vì vậy, sau khi tựu trường, với trường hợp thực sự khó khăn, tôi sẽ bỏ tiền túi hỗ trợ. Không chỉ mua bảo hiểm y tế mà có thể là sách vở, đồng phục hay đồ dùng học tập…
Việc tặng thẻ bảo hiểm y tế nhằm chia sẻ, hỗ trợ học sinh được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình. Tôi luôn nghĩ, tỷ lệ 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế của trường không đơn thuần là thành tích, mà thông qua đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm đối với các em”, cô Mai chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị T., phụ huynh có con được cô Mai hỗ trợ thẻ bảo hiểm trong năm học vừa qua, tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, nhất là sau dịch Covid-19, công việc bấp bênh, thu nhập hai vợ chồng cũng giảm đi nhiều. Năm học vừa qua, cô Mai không chỉ hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, mà khi có chương trình quà tặng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đều dành cho cháu một phần. Sự hỗ trợ của cô Mai đã giúp gia đình tôi bớt phần nào gánh nặng về tiền học của con”.
Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Nậm Nhừ thực hiện hiệu quả phong trào quyên góp, ủng hộ SGK. |
Huy động mọi nguồn lực
Ngày tựu trường đang cận kề, ban giám hiệu các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM luôn tất bật với kế hoạch hỗ trợ học sinh khó khăn, nhằm chia sẻ một phần gánh nặng chi phí với nhiều phụ huynh. Đầu tháng 8, Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TPHCM) đã kết nối với các tổ chức, đơn vị kết nghĩa trao tặng 130 phần quà gồm ba lô, sách, vở, đồ dùng học tập… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại trường.
Thầy Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm học 2023 - 2024, trường có khoảng 460 học sinh, trong đó số em thuộc hộ nghèo chiếm hơn 12%. Thấu hiểu khó khăn của các bậc phụ huynh trong việc chăm lo cho con em mình trước khi bước vào năm học mới, hằng năm cùng với sự đồng hành của các đơn vị kết nghĩa, nhà trường luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho học trò.
Đặc biệt, trường chú trọng chăm lo về đồng phục, sách, tập viết, bảo hiểm… để các em bước vào năm học mới thật vui tươi, ý nghĩa. Mong rằng những tình cảm đó sẽ là nguồn động viên, khích lệ trò tiếp tục nỗ lực, rèn luyện và học tập tốt hơn”.
Tại Trường Tiểu học Thạnh An thuộc địa bàn xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), nhiều năm nay, Ban giám hiệu nhà trường luôn có hoạt động chăm lo cho học sinh nói chung, đặc biệt là em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần không nhỏ vào duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Đặc biệt, hằng năm trước khi bước vào năm học mới, Trường Tiểu học Thạnh An đã tích cực vận động sách vở, học bổng, đồng phục từ các đơn vị kết nghĩa, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm để trao tặng cho học sinh của trường.
Theo thầy Hiệu trưởng Lê Hữu Bình, năm học 2023 - 2024, trường có 260 học sinh. Nhà trường đã vận động được 520 bộ đồng phục, 200 bộ SGK, 30 xe đạp, 50 suất học bổng (mỗi suất 500 nghìn) cùng nhiều đồ dùng học tập khác để trao tặng cho các em.
Chị Nguyễn Thị Diễm Xuân, trú tại xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) chia sẻ: “Tôi làm công nhân thu nhập không cao, một mình nuôi 2 con, cháu đầu lại chậm phát triển. Biết gia cảnh khó khăn, thời gian qua, thầy cô Trường Tiểu học Trung Lập Thượng đã hỗ trợ cháu rất nhiều, đặc biệt là những phần quà như cặp sách, đồng phục, đồ dùng học tập. Điều này đã giúp tôi giảm bớt gánh nặng trong việc lo cho con đến trường vào dịp năm học mới”.