Tiếp sức học trò nghèo dân tộc
Xã A Ngo, huyện Đakrông nằm trong số những xã khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Trị. Bà con nơi đây 100% người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, quanh năm bám nương rẫy làm nông nghiệp, không có nghề phụ để tăng thêm thu nhập.
Trong những lần xuống địa bàn, thăm các điểm trường, hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, đi vận động học trò tới lớp… những người lính nhận thấy nhiều học trò đến trường trong tình trạng nhịn ăn sáng. Trong khi đó, các em phải đi bộ tới lớp, nhiều em mặt mày hốc hác, xanh xám. Cũng vì vậy, nhiều học sinh ngại đi học, có khi bỏ học nhưng phụ huynh lại xao nhãng, thiếu đôn đốc học tập.
Tình trạng nhịn ăn sáng đã khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tiếp thu của học sinh trong quá trình học tập, mặt khác tỉ lệ chuyên cần trên lớp không đều, chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.
Trước thực tế đó, đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã xây dựng và triển khai mô hình “Ổ bánh mì biên giới” để giúp học sinh ấm bụng mỗi khi đến trường.
Và từ năm 2019, chương trình của cán bộ, chiến sĩ Đồn được triển khai đến nay. Học trò các điểm trường ở 2 xã A Ngo và A Bung vào các sáng thứ ba, thứ năm hằng tuần luôn nhận được những ổ bánh mì, sữa từ tay của các chú BĐBP.
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn biên phòng CKQT La Lay cho biết ban đầu khi triển khai, kinh phí hoạt động chương trình “Ổ bánh mì biên giới” hầu hết do cán bộ, đoàn viên, thanh niên của đồn tự nguyện đóng góp. Thời gian sau, khi thấy được ý nghĩa nhân văn của chương trình nên một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ. Có thêm kinh phí, bánh mì phát ra không chỉ ổn định về số lượng mà các chiến sĩ còn mua thêm sữa đặc để tăng cường dinh dưỡng cho học trò.
Những bữa sáng ý nghĩa của học trò dân tộc nghèo vùng biên giới Đakrông |
Điều đáng quý, những bữa sáng ý nghĩa được mang tới học sinh nghèo Pa Cô, Vân Kiều không kể nắng mưa, giá rét. Có điểm trường của hai trường Tiểu học và THCS 2 xã A Ngo, A Bung cách xa đồn hơn 10km, đường khó đi song những đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng CKQT La Lay vẫn duy trì đều đặn tuần 2 buổi đưa bánh mì tới nơi, đảm bảo về số lượng và chất lượng để phát cho học sinh.
Những ổ bánh mì có sữa dù nhỏ bé nhưng đã trở thành bữa sáng mong ngóng, sự níu giữ bước chân học trò tới trường đều đặn, đúng giờ. Giáo viên giảm đi nỗi lo lắng sức khỏe hay tình trạng bỏ học của học sinh dân tộc nghèo vùng biên giới ĐakKrông. Việc duy trì sĩ số đã ngày càng ổn định.
Lấy “thực” vực “đạo”
Trường Tiểu học & THCS A Ngo có 1 điểm trung tâm và 4 điểm lẻ. Để mọi học sinh đều được thụ hưởng hoạt động ý nghĩa nhân văn này các chiến sĩ Đồn La Lay đã luân phiên mang bánh mì tới các điểm trường, Hàng sáng khi nghe tiếng xe máy quen thuộc của các chiến sĩ đồn La Lay đỗ gần cổng trường là học sinh lại ùa vào hỗ trợ kê bàn ghế, đục sữa và đón nhận những ổ bánh mì dành cho mình trước khi vào lớp học...
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo dạy tại điểm trường A Đeng thuộc Trường Tiểu học & THCS A Ngo chia sẻ: Học sinh thường xuyên nhịn đói tới trường, gia đình nào khá hơn thì có chút cơm nguội cho học trò lót dạ.
Nhìn các em đến trường trong tình trạng nhịn đói, các thầy cô thương vô cùng, nhiều hôm cùng chia sẻ phần ăn sáng của mình cho học trò nhưng không thể đủ về số lượng và đều đặn hàng ngày. Vì đói trước mắt mà nhiều học sinh đã bỏ học ở nhà đi lao động, kiếm sống cùng bố mẹ…
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn biên phòng CKQT La Lay cho biết, từ năm 2019 đến nay hơn 10.000 ổ bánh mì đã được cấp phát đến tới từng điểm trường. Nhờ đó học sinh đến lớp đều đặn hơn, được ăn no bụng mỗi sáng, học sinh đã học tập trung trung hơn và hơn thế những tiết học cuối gần buổi trưa không còn mệt mỏi, thấp thỏm muốn bỏ về vì đói.
Cô Thảo cũng chia sẻ, có những học sinh thường xuyên đi học muộn bởi nhà cách xa điểm trường tới chục km mà em phải đi bộ, từ khi các chú bộ đội phát bánh mì buổi sáng các em đi học đều đặn, đúng giờ hơn. Thậm chí nhiều em đến sớm hơn để được ăn sáng trước khi vào lớp.
Có em cá tính đặc biệt, thường tách mình khỏi bạn bè, hạn chế giao tiếp với thầy cô nhưng được các chiến sĩ giáo dục, động viên đã hòa đồng hơn khi cùng bạn bè đón nhận những ổ bánh mì…
Ấm bụng bữa sáng vừa đảm bảo sức khỏe, vừa giúp học sinh học tốt hơn. |
Thầy Hoàng Quang Cẩn, Hiệu trưởng Trường TH & THCS A Ngo nhận xét, chương trình “Ổ bánh mì biên giới” với hàng ngàn phần quà sáng dành cho học sinh toàn trường mang ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trước đây khi chưa có chương trình, tình trạng học sinh bỏ học, trốn học xảy ra thường xuyên. Từ khi có bữa sáng được miễn phí tại các điểm trường học sinh đi học chăm chỉ đầy đủ, và phấn khởi. Chất lượng giáo dục đại trà của trường tăng lên đáng kể. Các thầy cô không còn vất vả việc vận động học trò tới lớp, tình trạng bỏ trốn học như trước đây cơ bản được tháo gỡ.
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh trao đổi: “Chúng tôi nhận thấy sự mong mỏi, hy vọng rất nhiều của Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh, học sinh đối chương trình “Ổ bánh mì biên giới” của Đồn biên phòng CKQT La Lay. Cán bộ, chiến sĩ sẽ cố gắng hết sức để duy trì lâu dài, tuy nhiên cũng rất cần sự góp sức của cộng đồng, xã hội. Có như vậy, những phần quà sáng cho học trò dân tộc nghèo sẽ tăng thêm cả chất và lượng, số lượng được thụ hưởng nhiều hơn…
Đặc biệt sau thời gian dịch Covid-19 bùng phát, học sinh đã trở lại trường học tập, nhiều gia đình khó khăn… thì việc duy trì bữa sáng cho học sinh để đảm bảo sức khỏe, sĩ số chuyên cần là vô cùng cần thiết…”.
Chương trình thiện nguyện “Ổ bánh mì biên giới” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT La Lay đã và đang mang đến cho học sinh tình thương, sự quan tâm ý nghĩa thiết thực. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm sự đồng hành của những người lính biên phòng với giáo dục nói chung và học sinh dân tộc nói riêng.
Dù thời tiết nắng mưa hay giá rét, các chiến sĩ Đồn biên phòng CKQT La Lay đều đặn đưa bánh mì tới các điểm trường phát cho học sinh nghèo. No dạ, ấm bụng học sinh đến trường đều đặn, chất lượng giáo dục tăng lên. Từ những ổ bánh mì có sữa, nhiều học sinh đã từ bỏ ý định bỏ học, học tập chăm ngoan hơn, thậm chí nhiều em ước mong trở thành chiến sĩ biên phòng cùng bảo vệ quê hương, đất nước.