Tiếp sức từ ban giám hiệu giúp giáo viên xử lý 'tình huống bức bách'

GD&TĐ - Trong một số diễn đàn về giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên đang có quá nhiều áp lực, từ lo “chạy hết bài”, quản lý chất lượng, hồ sơ sổ sách.

Giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tôn sinh hoạt chuyên đề công tác giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: NTCC
Giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tôn sinh hoạt chuyên đề công tác giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: NTCC

Thậm chí học sinh không ngoan nên có lúc, nơi, giáo viên không giữ được bình tĩnh trong xử lý tình huống…

Tạo môi trường thân thiện

Không hài lòng về điểm số bài kiểm tra cuối kỳ của con, một phụ huynh Trường THCS N.H (Đà Nẵng) đã phản ứng và có lời lẽ khó nghe với giáo viên bộ môn. Dù được giải thích về barem chấm điểm, so sánh điểm của học sinh này trong mặt bằng kết quả chung nhưng phụ huynh vẫn không chấp nhận. Sự việc sau đó được giáo viên báo cáo với ban giám hiệu để nhà trường có buổi làm việc với đại diện gia đình.

Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho biết: “Thường những trao đổi của phụ huynh và giáo viên xuất phát từ tình huống liên quan đến học sinh và qua tin nhắn, điện thoại. Giáo viên báo cáo với ban giám hiệu nhà trường nếu sự việc trở nên căng thẳng. Ban giám hiệu sẽ trao đổi với phụ huynh. Đây là quy trình xử lý trong trường học để giảm bớt “độ căng” cho giáo viên”.

Đồng hành cùng đội ngũ, cô Trần Thị Tình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: “Với giáo viên trẻ, mới vào nghề 1 - 2 năm, trước khi họp phụ huynh đầu năm, bao giờ ban giám hiệu cũng dành thời gian để trao đổi, hướng dẫn một số nội dung, cách xử lý tình huống có thể xảy ra để hạn chế lúng túng, thiếu sót không đáng có”.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng: “Nhà trường nên có nhiều kênh tiếp nhận phản ảnh của phụ huynh và học sinh. Phải thẳng thắn thừa nhận không có giáo viên “dổm” hay giỏi vì ai nào cũng được đào tạo bài bản, trang bị đầy đủ kiến thức, công nghệ, phương pháp giảng dạy… Cán bộ quản lý các trường học vì vậy cần có cuộc trao đổi kỹ năng xử lý trong những tình huống bức bách cho giáo viên”.

Ông Vĩnh phân tích, nếu cơ ngơi trường lớp luôn chỉnh trang, xanh sạch đẹp, có phòng đón tiếp thì tâm lý phụ huynh sẽ thoải mái hơn việc phải đứng trao đổi với giáo viên ngoài hành lang, thậm chí dưới nắng.

“Chúng ta đừng nghĩ trường học phải được đầu tư xây dựng mới, hiện đại mới là khang trang, sạch đẹp. Tâm lý chung khi bước vào ngôi trường nền nếp, quy củ từ bảo vệ tới người đứng đầu thì tâm thế phụ huynh sẽ khác. Sự tiếp sức của ban giám hiệu và bản lĩnh mỗi giáo viên trong ứng xử sẽ góp phần nâng cao vị thế nhà giáo, nghề giáo”, ông Vĩnh nhận định.

Một cô giáo ở Đà Nẵng kể lại “sự cố nghề nghiệp” của đồng nghiệp vì không quản lý được cảm xúc. Một học sinh do không khâm phục cách chấm điểm của cô giáo đã có lời lẽ khó nghe giữa lớp học. Cô giáo này, trong cơn tức giận đã mắng học sinh rằng “em quá vô lễ, nếu không muốn nói “mất dạy”. Học trò đã kể câu chuyện lên mạng xã hội; cô giáo sau đó đã nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng khi dùng từ “mất dạy” trong môi trường học đường.

Giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tôn trình bày kết quả làm việc nhóm trong chương trình sinh hoạt chuyên đề về công tác chủ nhiệm lớp. Ảnh: NTCC

Giáo viên Trường THCS Lê Thánh Tôn trình bày kết quả làm việc nhóm trong chương trình sinh hoạt chuyên đề về công tác chủ nhiệm lớp. Ảnh: NTCC

Trang bị kỹ năng

Mỗi năm học, Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức sinh hoạt chuyên đề về công tác chủ nhiệm lớp. Trong đó, nhấn mạnh đến kỹ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh. Trong vai người học, thông qua trò chơi nhóm, giáo viên làm công tác chủ nhiệm được nâng cao kỹ năng lắng nghe, biết đặt mình vào vị trí học sinh để hiểu được vấn đề, câu chuyện, tâm tư, tình cảm…

Trong nhiều diễn đàn về giáo dục, có ý kiến cho rằng, nếu thầy, cô giáo chịu khó dành chút thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư học sinh thì bức tranh học đường ít nhiều có sự thay đổi. Chính vì vậy, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Thánh Tôn khuyến khích giáo viên chủ nhiệm trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt 15 phút đầu giờ dành thời gian thảo luận các vấn đề học sinh quan tâm, tổ chức trò chơi, cuộc thi nhỏ, cùng xem bộ phim ngắn nội dung phù hợp với tâm lý tuổi mới lớn…

Trong phòng hội đồng của Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) có tấm bảng lớn với 20 điều giáo viên cần thấu hiểu, trong đó, hướng tới nhấn mạnh yêu cầu giáo viên “Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng”. Trong nỗ lực khác, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho giáo viên những biện pháp ứng xử, gỡ rối những rối nhiễu tâm lý học sinh. Đây là cách giúp giáo viên và học sinh tránh được xung đột trong trường học.

Hè năm 2023, ngoài các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn chung theo kế hoạch của ngành, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) còn tổ chức khóa tập huấn cho toàn bộ giáo viên nhà trường với chủ đề “Giáo viên hạnh phúc – Kiến tạo tương lai”. Với 9 buổi học theo hình thức trực tuyến, khóa học tập trung vào 2 nội dung: Công tác giáo viên chủ nhiệm và Phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Nhân - giáo viên Trường THCS Trưng Vương cho biết: “Tham gia khóa học, chúng tôi biết được tại sao nghề giáo ngày càng vất vả, áp lực nhưng hiệu quả chưa cao và khám phá cách thức để khắc phục điều đó. Ngoài phương pháp dạy học tích cực, chúng tôi được trang bị kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, hành vi, lời nói, thái độ trong giao tiếp với học sinh để tránh xung đột không đáng có”.

Để làm bạn với học trò, kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Thúy Nguyệt - giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) là thường xuyên kết nối qua mạng xã hội. “Cái được lớn nhất là tình cảm thầy trò trở nên cởi mở, thân thiết hơn. Cô trò chúng tôi thường xuyên trò chuyện qua tin nhắn Zalo. Có nhiều chuyện ngại nói trực tiếp thì qua tin nhắn cô trò sẽ hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, để có thể làm bạn với các em, người thầy cần tâm lý, công bằng, không thiên vị và không phân biệt đối xử giữa học sinh”, cô Nguyệt chia sẻ.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao đổi: “Hành trình xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho người thầy không dễ và cần thời gian. Do đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, quản lý giáo dục thời gian qua phần nào giúp giáo viên giãn thời gian làm việc, tập trung vào công tác chuyên môn.

Đồng thời, các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại được tổ chức thường xuyên tạo không gian kết nối tình cảm thầy trò, giúp người trong cuộc có thời gian trò chuyện, chia sẻ, thậm chí giải tỏa khúc mắc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ