Tiếp bài 'Sinh viên bị bóc lột khi làm thêm': Cơ quan hữu trách cần vào cuộc

GD&TĐ - Báo GD&TĐ số 93, ra ngày 17/4, có bài viết phản ánh về những dấu hiệu trái pháp luật trong việc trả lương cho người lao động là sinh viên.

Công ty Cổ phần Young Fit liên tục đăng tin tuyển dụng cho thương hiệu Friday Shop tại trang web môi giới việc làm uy tín.
Công ty Cổ phần Young Fit liên tục đăng tin tuyển dụng cho thương hiệu Friday Shop tại trang web môi giới việc làm uy tín.

Báo GD&TĐ số 93, ra ngày 17/4, có bài viết phản ánh về những dấu hiệu trái pháp luật trong việc trả lương cho người lao động là sinh viên. Bài viết nhận được sự quan tâm của độc giả.

Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với các chủ sử dụng lao động có liên quan để làm rõ vấn đề, nhưng những đơn vị này có dấu hiệu trốn tránh, thoái thác.

Mong muốn được làm rõ vấn đề tuân thủ pháp luật trong việc sử dụng người lao động nói chung, đặc biệt là sinh viên đi làm thêm nói riêng, phóng viên đã liên hệ với số điện thoại của thương hiệu Friday Shop nhưng không thành công. Người nghe máy bất hợp tác, lảng tránh và ngắt điện thoại giữa chừng.

Sau đó, qua nhiều lần cố gắng, phóng viên đã liên hệ được với ông Phạm Anh D., người được cho là đại diện pháp lý của thương hiệu Friday Shop, thuộc Công ty Cổ phần Thời trang Young Fit có trụ sở tại số nhà 21, ngõ 1160 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội (địa chỉ đăng ký mã số thuế doanh nghiệp).

Ông Phạm Anh D. đã hẹn phóng viên tới địa chỉ như trên làm việc. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ trụ sở được cung cấp, phóng viên ghi nhận thấy nơi này là một căn nhà không có biển hiệu công ty, đóng kín cửa.

Sau đó, có một người đàn ông bước từ trong nhà ra và cho biết, trụ sở của Young Fit đã chuyển đi cách đây 1 năm trước. “Hiện tại, nơi này đã được một người khác thuê lại”, người đàn ông cho biết.

Nhưng khi liên hệ lại với ông Phạm Anh D., ông D. xác nhận địa chỉ trên đúng là địa chỉ công ty. Ông D. bày tỏ mong muốn được trao đổi với phóng viên qua điện thoại thay vì gặp mặt làm việc trực tiếp.

Sau khi tiếp nhận nội dung về việc thương hiệu Friday Shop đang có những dấu hiệu sai phạm đối với vấn đề lương của người lao động, ông D. đã hỏi về việc ai là người phản ánh và tại cơ sở nào. Nhưng, sau đó, ông D. phủ nhận việc cá nhân ông có quan hệ với thương hiệu thời trang Friday Shop.

Địa chỉ 'văn phòng' mà ông D. cung cấp cho phóng viên.

Địa chỉ 'văn phòng' mà ông D. cung cấp cho phóng viên.

Ông Phạm Anh D. xuất hiện với vai trò Giám đốc điều hành thương hiệu Friday trên trang web của đối tác.
Ông Phạm Anh D. xuất hiện với vai trò Giám đốc điều hành thương hiệu Friday trên trang web của đối tác.

Cụ thể, ông D. cho biết Công ty Young Fit chỉ đang kinh doanh trực tuyến, không có cửa hàng và đang trong quá trình giải thể vì gặp khó khăn về tài chính.

Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, Công ty Cổ phần Young Fit vẫn liên tục đăng bài tuyển dụng nhân sự ở nhiều vị trí cho thương hiệu thời trang Friday Shop trên mạng xã hội Facebook và các trang web giới thiệu việc làm uy tín cho người lao động.

Những thông tin tuyển dụng trên các nền tảng mạng xã hội của thương hiệu Friday Shop trùng khớp với địa chỉ tại số nhà 21, ngõ 1160 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, ông D. không hề đề cập với phóng viên rằng thương hiệu này còn có một “văn phòng” khác tại phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đặc điểm chung của hai “văn phòng” này đều không có biển hiệu hay bất cứ thông tin gì về thương hiệu Friday Shop.

Theo quan sát của phóng viên, hình ảnh của ông Phạm Anh D. thường xuyên xuất hiện trên trang tuyển dụng của thương hiệu Friday Shop và một số doanh nghiệp đối tác khác.

Không chỉ thương hiệu Friday Shop, phóng viên cũng không nhận được phản hồi từ chủ chuỗi siêu thị có văn phòng tại Khu đô thị Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, TP Hà Nội về vấn đề giữ lương và buộc người lao động đóng tiền “cọc” vô lý.

Đề nghị các cơ quan hữu trách Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ