Tiếng Việt - cầu nối giữa kiều bào và Tổ quốc

GD&TĐ - Nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài, đặc biệt Việt kiều ngày một lớn. Tiếng Việt là cầu nối giữa kiều bào với Tổ quốc.

Trao giải Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN. Ảnh: TG
Trao giải Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN. Ảnh: TG

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, cần tăng cường năng lực tiếng Việt cho kiều bào thông qua các chương trình giảng dạy chất lượng, hiệu quả.

Tiên phong trong dạy tiếng Việt

- Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu, phát triển tiếng Việt cho người nước ngoài và kiều bào. Xin ông cho biết những thành tựu của đơn vị về vấn đề trên?

- Trường ĐH KHXH&NV ĐHQGHN có Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là cơ sở giáo dục đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành tiếng Việt, văn hóa Việt Nam cho lưu học sinh nước ngoài từ năm 1968.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn.

Đến nay, nhà trường tiếp tục vai trò dẫn dắt, tiên phong trong lĩnh vực xây dựng ngữ liệu, phương pháp dạy tiếng Việt cho người học trên toàn thế giới (cả người nước ngoài ở Việt Nam và ngược lại); có những thành tựu lớn trong lĩnh vực Việt ngữ học và phương pháp dạy tiếng, tập trung vào đội ngũ chuyên gia của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Khoa Ngôn ngữ học.

Nhà trường cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước giới thiệu “Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” với nhiều khóa học online tiếng Việt bậc sơ cấp cho kiều bào gần 20 quốc gia trên thế giới. Đây là sản phẩm trí tuệ của tập thể chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, đồng thời khẳng định vai trò đầu tàu của ĐHQGHN trong chiến lược quảng bá, tôn vinh tiếng Việt, phụng sự cộng đồng.

- Nhu cầu học tiếng Việt của người nước ngoài, đặc biệt Việt kiều ngày một lớn. Vậy làm thế nào để việc dạy - học hiệu quả, chất lượng?

- “Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” - thành quả trực tiếp của Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” (theo Khung năng lực 6 bậc) căn bản, hiệu quả, phù hợp, dễ tiếp cận cho kiều bào; giúp các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài (nhất là thế hệ trẻ) có đủ vốn tiếng Việt để sử dụng giao tiếp, học tập, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp ý thức hướng về cội nguồn.

Kênh học này ứng dụng hệ thống ngữ liệu dạy tiếng Việt qua nền tảng dạy học tiên tiến, hiện đại, phù hợp với việc phát triển năng lực tiếng Việt của người học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm gói sản phẩm mô hình Blended class (dạy tập huấn cho kiều bào là giáo viên tiếng Việt khi về Việt Nam) thí điểm miễn phí cho kiều bào. Qua thực tế triển khai, cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao.

Nhà trường cũng đang nỗ lực hoàn thành các chương trình và lớp học trực tuyến hoàn thiện cho kiều bào theo từng bậc năng lực, tập trung trước hết vào bậc trung cấp (bậc 3, 4 theo Khung năng lực tiếng Việt); Tổ chức, quản trị và điều hành hệ thống các khóa học đa dạng phục vụ kiều bào các lứa tuổi, thành phần với nhu cầu khác nhau theo Khung năng lực tiếng Việt 6 bậc; Hoàn thành bộ ngữ liệu kịch bản dạy học trực tuyến (video cho chương trình khóa học thụ động, các mô hình tương tác…).

Kênh học tiếng Việt trực tuyến cho người nước ngoài và kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Kênh học tiếng Việt trực tuyến cho người nước ngoài và kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.

- Ngoài kênh giảng dạy tiếng Việt trên, trường có chương trình dạy học gì để nâng cao hiệu quả, thưa ông?

- Chúng tôi đã biên soạn thành công Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia (Quyết định số 17/2015/TT-BGDĐT, ngày 1/9/2015). Biên soạn thành công Định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài áp dụng trên toàn quốc và nhiều quốc gia. Chủ trì và tham gia biên soạn thành công Chương trình Đào tạo giáo viên tiếng Việt cho người nước ngoài.

Đồng thời hỗ trợ Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT giảng dạy hàng nghìn lượt kiều bào là giáo viên ở Vương quốc Đan Mạch và Cộng hòa Áo tự nguyện dạy tiếng Việt cho con em người Việt sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Trực tiếp đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài cho Chính phủ theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết số 169/NQ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026.

Từ năm 2020 đến nay, trường tổ chức cho đội ngũ chuyên môn về Việt ngữ học, phương pháp dạy tiếng và Ngôn ngữ học hoàn thiện bộ ngữ liệu thuộc Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” với các hạng mục quan trọng tạo thành tổ hợp chuỗi mô-đun giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài thiết thực, hiệu quả.

GS Hoàng Anh Tuấn (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến làm việc tại Bắc Âu.

GS Hoàng Anh Tuấn (thứ 3 từ trái sang) trong chuyến làm việc tại Bắc Âu.

Cầu nối kiều bào và Tổ quốc

- Trong chuyến công tác vừa qua cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT, nhà trường đã đề xuất một số hoạt động để hỗ trợ kiều bào phát triển tiếng Việt, vun đắp văn hóa. Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động này?

- Chúng tôi đã gặp gỡ với kiều bào và cơ quan quản lý văn hóa một số nước Bắc Âu. Có thể thấy nhu cầu học tiếng Việt rất lớn. Trong buổi làm việc với đối tác chính là Trung tâm Liên văn hóa Eskilstuna tại Thụy Điển, hai bên đã trao đổi và chia sẻ sâu sắc nhằm hướng tới các hoạt động cụ thể, thiết thực để phát triển, lan tỏa tiếng Việt. Trong tương lai, các bên sẽ phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ:

Nhà trường cử chuyên gia/giảng viên kinh nghiệm lĩnh vực Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Văn học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam sang giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam tại Trung tâm Liên văn hóa Eskilstuna; hỗ trợ biên soạn giáo trình, tài liệu học tập song ngữ cho người Việt Nam tại Thụy Điển nói riêng, người nước ngoài ở Thụy Điển nói chung.

Trung tâm Liên văn hóa Eskilstuna giới thiệu/cử giáo viên dạy tiếng Việt sang trường để tập huấn trực tiếp về phương pháp dạy tiếng Việt (trình độ nâng cao) và trải nghiệm lớp dạy tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Có thể giới thiệu/cử giáo viên sang Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN để tham dự các Hội thảo quốc tế bàn về phương pháp, chương trình, giáo trình dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam.

Thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển, nhà trường có kế hoạch cụ thể hỗ trợ tối đa mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt của hơn 22 nghìn kiều bào sinh sống và làm việc tại đây.

Theo kế hoạch, nhà trường đã thống nhất với một số cơ sở đào tạo và trung tâm dạy tiếng khu vực châu Âu tập trung vào 3 trọng tâm: Tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dạy tiếng Việt nâng cao cho giáo viên dạy tiếng Việt; định kỳ cung cấp - thông qua Đại sứ quán - hệ thống tài liệu dạy và học tiếng Việt cũng như các tài liệu về văn hóa Việt Nam; phái/cử cán bộ sang các cơ sở giáo dục tại một số nước khu vực Bắc Âu để xây dựng chương trình, giảng dạy tiếng Việt và các môn học về Việt Nam…

- Xin cảm ơn Giáo sư!

“Tiếng Việt lan tỏa mạnh mẽ là minh chứng quan trọng cho thấy nội lực của ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt hơn khi nó được đặt trong bối cảnh giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việc ra đời Ngày Tôn vinh tiếng Việt, là bước ngoặt quan trọng của chiến lược ngoại giao văn hóa của Đảng và Nhà nước, góp phần đáp ứng nhu cầu gìn giữ, truyền bá tiếng Việt, văn hóa Việt Nam trong cộng đồng kiều bào xa xứ ở khắp các châu lục...”, GS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ